29 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 12)

[MINH HUỆ 24-7-2007]

Ăn nói chớ làm tổn thương người khác

Đối với người thân và bạn bè, bởi vì nói chuyện không thỏa đáng mà giao tình bị rạn nứt, chưa chắc đều là do nói lời ác ý với người khác. Rất nhiều trường hợp là bởi vì thái độ, ngôn từ, giọng nói quá đáng và thô bạo, làm người khác nổi giận. Ví như khuyên can nhược điểm của người khác, mà lời nói ân cần ngay thẳng, lại vui vẻ hòa nhã, cho dù không được người ta lắng nghe, thì cũng không đến mức làm người ta giận. Bình thường nói chuyện vốn không có chỗ nào ác ý với người khác, nhưng mà ngôn từ và giọng nói đều rất nghiêm khắc, cho dù không bị người ta giận dữ, cũng sẽ khiến họ hoài nghi.

Cổ nhân nói: “Sau khi nổi giận ở trong nhà, khó tránh khỏi việc phải đem bộ mặt giận dữ ra ngoài”, chính là vì trong lúc người ấy tức giận, nói chuyện với người ta nhất định sẽ không thể tỏ ra khiêm tốn. Người khác không biết là nguyên nhân gì, làm sao không thấy kỳ quái cho được! Bởi vậy lúc giận dữ cùng người khác nói chuyện càng cần phải cảnh giác, không nên làm tổn thương người khác. Tiền bối từng nói: “Sau khi uống rượu thì hạn chế nói chuyện, lúc ăn cơm thì kỵ nóng giận, gắng nhẫn chịu những chuyện khó nhẫn nhịn, không tranh luận với những kẻ tự cho mình là đúng”. Thường xuyên kiên trì làm như thế sẽ có lợi cho bản thân.

Tài Đức có thể làm người khác tâm phục

Người có phẩm hạnh cao thượng tự nhiên sẽ được người khác kính trọng, không phụ thuộc vào việc người ấy dung mạo đẹp đẽ bao nhiêu, vóc người cao lớn bao nhiêu. Những người có tài năng cao siêu sẽ được người khác kính phục, không phụ thuộc vào việc những lời bàn luận của người ấy cao minh ra sao.

(Hết)
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/24/158260.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/18/88698.html
Đăng ngày 28-1-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 11)

[MINH HUỆ 16-7-2007]

Cảm ơn báo đáp

Người bây giờ tiếp nhận ân huệ của người khác phần lớn không ghi nhớ trong lòng, nhưng nếu có ơn với người khác dù chỉ việc nhỏ không đáng kể, cũng muốn ghi tạc trong lòng. Người xưa nói: “Không nên nhớ kỹ ân huệ của mình đối với người khác, không nên quên mất ân huệ của người khác đối với mình“. Có thể làm được điều đó quả thật rất khó.

Không xem nhẹ ơn của người khác

Ở nhờ nhà bà con, hoặc ở nhờ bên ngoài, không thể dễ dàng tiếp nhận ân huệ của người ta. Trong khi ta không hiển đạt, được ân huệ của người ta, thường thường ghi tạc trong lòng, mỗi lần nhìn thấy người ban ơn cho ta, trong lòng đều rất kính nể. Mà người ấy cũng biết có ơn với mình, cho nên thường biểu hiện trên nét mặt. Đến lúc ta vinh diệu hiển đạt sau này, nếu muốn báo đáp tất cả những người có ơn với mình, sợ rằng cũng rất khó làm nổi, không báo đáp lại cảm giác không tròn đạo lý.

Bởi vậy, dù là một bữa cơm, một mảnh lụa, cũng không thể dễ dàng tiếp nhận. Tiền bối thấy có người làm quan thì tìm kiếm bạn tri âm, bèn bảo họ rằng: “Nhận nhiều ân huệ của người khác, thì rất khó đứng vững giữa triều đình“. Cần phải lĩnh hội cho tốt những lời này.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/16/158259.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/5/88336.html
Đăng ngày 28-1-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 10)

[MINH HUỆ 12-7-2007]

Tuân theo Lễ, kiềm chế dục vọng

Ăn uống là một thứ ham muốn của con người, là không thể thiếu được, nếu truy cầu nó quá đáng thì chính là tham ăn. Việc nam nữ là một thứ dục vọng của con người, là không thể thiếu, nếu chọn dùng thủ đoạn không hợp lý để thỏa mãn, thì chính là gian dâm. Tiền của, ai cũng muốn có, là không thể thiếu, nhưng dùng thủ đoạn phi pháp để có được, vậy thì cũng thành ra đạo tặc.

Con người nếu chỉ phóng túng cho dục vọng của mình, sẽ gây nên tranh chấp, đồng thời không tránh khỏi kiện tụng. Những vị Thánh vương thời cổ đại đã từng suy nghĩ đến những vấn đề ấy, cho nên chế định thành lễ nghi, để tiết chế ham muốn ăn uống và quan hệ nam nữ; chế định ra đạo nghĩa, để hạn chế sự ham thích của con người đối với tiền của.

Người quân tử đối với 3 thứ: ẩm thực, nam nữ, tiền của ấy, mặc dù biết đó là những điều thiết yếu phải có, nhưng không dám biểu hiện ra ngoài, huống chi là để nảy sinh vọng tưởng đây! Kẻ tiểu nhân so với người quân tử thì trái ngược hoàn toàn.

Nhìn mà không thấy, không nghĩ đến và dứt bỏ ham muốn

Thánh nhân nói: “Không nhìn những thứ có thể khơi gợi dục vọng, trong lòng sẽ không thể cảm thấy mê loạn“. Đây là bí quyết để loại bỏ bớt rất nhiều phiền não. Thông thường, người ta thấy thức ăn ngon sẽ chảy nước miếng, thấy sắc đẹp sẽ nhìn say sưa chăm chú, thấy tiền tài sẽ nổi tâm tham cầu, nếu không phải là người có định lực thì đều khó tránh khỏi. Chỉ có hoàn toàn đoạn tuyệt những căn nguyên của tham dục, đối với chúng thì nhìn mà không thấy, sẽ không sinh ra vọng tưởng nữa, không có vọng tưởng sẽ không phạm sai lầm trong chuyện này.

Dịch giả chú dẫn: Cuộc đời người ta vì dục vọng vô cùng mà phẫn nộ, tranh đấu, thậm chí đến mức mất mạng, không hề biết rằng thân mình đang chìm trong bể khổ mênh mông. Ở đây xin giới thiệu bài thơ “Đạo trung” của Tiên sinh Lý Hồng Chí – người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, để cho chúng ta hiểu được tâm cảnh của những người tu luyện: thân thể ở tại thế gian, nhưng tâm hồn siêu xuất ngoài thế gian, tiêu dao và cao khiết.

Đạo trung Tâm bất tại yên
Dữ thế vô tranh
Thị nhi bất kiến
Bất mê bất hoặc
Thính nhi bất văn
Nan loạn kỳ tâm
Thực nhi bất vị
Khẩu đoạn chấp trứ
Tố nhi bất cầu
Thường cư đạo trung
Tĩnh nhi bất tư
Huyền diệu khả kiến
Tạm dịch Ở trong Đạo Tâm không ở đây
Không tranh với đời
Nhìn mà không thấy
Sáng suốt không mê hoặc
Nghe mà không nghe thấy
Tâm khó rối loạn
Ăn không theo vị
Miệng hết chấp trước
Làm mà không cầu
Thường ở trong Đạo
Tĩnh không suy tư
Có thể thấy được điều huyền diệu. (Hồng Ngâm I)

Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/12/158258.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/19/88719.html
Đăng ngày 28-1-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 9)

[MINH HUỆ 10-7-2007]

Thường tự xét lại mình

Con người trong thế gian, có thể luôn luôn hối hận về những việc làm sai trái xưa kia của mình, hối hận về những câu nói sai trái của mình ngày trước, đối với những điều ngu muội của mình trong quá khứ cảm thấy xấu hổ mãi, như thế người ấy về phương diện đức hạnh và tài năng sẽ càng ngày càng tiến bộ. Người ta thường thường tự mình không nhận thức được điều này. Người xưa từng nói: tuổi đến 60, thì cần phải biết rõ những điều sai trái của bản thân trong 59 năm qua, chẳng lẽ chúng ta không thể lấy đó làm gương hay sao?

Nhẫn nại

Người ta nếu giỏi nhẫn nại, hơn nữa dần dần tạo thành thói quen, thì cho dù người khác làm điều vô lễ xúc phạm đến mức không thể chịu nổi đối với người ấy, người ấy vẫn có thể xử lý một cách bình thản như thường.

Người ta nếu không nhẫn nại được, cũng dần hình thành thói quen, cho dù người khác đối với kẻ ấy chỉ hơi quá đáng, căn bản chẳng có gì đáng tranh cãi, thì cũng luôn luôn dốc hết sức mà đi kiện tụng, chưa thắng kiện thì quyết không chịu bỏ qua. Nhưng người ấy không biết chính mình đã đánh mất đi rất nhiều so với những gì mà người ấy nhận được.
Bản tiếng Hán: http://big5.minghui.org/mh/articles/2007/7/10/158256.html
Đăng ngày 28-1-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

26 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 8)

[MINH HUỆ 8-7-2007]

Kiên trì chính kiến không sợ dư luận

Có người nói chuyện cực kỳ lương thiện và xác đáng, vẫn có kẻ khiển trách người ấy. Có người làm việc cực kỳ thỏa đáng, vẫn có người khiển trách anh ta. Đó chính là tâm tư mọi người khó có thể nhất trí, sự thảo luận của mọi người khó có thể đưa đến kết quả hoàn toàn thống nhất.

Người quân tử tu dưỡng đức hạnh nói chuyện làm việc nếu có thể căn cứ theo lương tâm của chính mình, tham khảo những lời di huấn của các bậc thánh hiền thời cổ đại, thỉnh giáo các bậc hiền minh nhân sỹ, như vậy làm việc không có thiếu sót về đạo lý, đối với những lời đàm luận nhốn nháo của người khác đều có thể không cần lo lắng suy nghĩ, cũng không cần tranh cãi với những người ấy.

Thánh hiền từ xưa tới nay, Tể Tướng đương thời, từng làm quan Thái thú hay Huyện lệnh, đều không thể tránh khỏi đàm tiếu của người khác, huống chi người bình thường ở lại quê hương, giống như bình dân trăm họ, thì cần phải không sợ những lời đàm luận của người khác đối với mình
Thông thường, nếu một người cứ mãi nói chuyện tốt xấu của người khác, thì nhất định là đố kỵ với người ta, hoặc là bình thường có hiềm khích với người ta, những người này nói chuyện làm sao có thể tin được đây? Đối với lời lẽ của những người này, cần phải không suy nghĩ không giải thích gì thêm thì mới đúng.

Những lời nịnh nọt đều là gian trá

Có một số người ở trước mặt xưng tụng chỗ tốt của ta, khiến cho ta thích nghe những lời đó mà không phát hiện ra rằng kẻ ấy đang a dua nịnh nọt mình. Đây là loại tiểu nhân trong loại người gian trá giảo hoạt bậc nhất. Kẻ đó trước mặt nịnh bợ làm ta vui vẻ, đến khi trở về đàm luận với người khác, chưa chắc sẽ không âm thầm cười nhạo ta đã bị kẻ đó lường gạt.

Có một số người giỏi phỏng đoán tâm ý người khác là gì, tìm ra đề tài đàm luận như thế, dẫn dắt người khác, đồng thời đón ý nói hùa theo tâm ý của người ta, khiến người ta vui vẻ nghĩ rằng lời nói của kẻ ấy thật phù hợp với mình. Đây cũng là hạng tiểu nhân trong loại người gian tà bậc nhất. Kẻ ấy nghiền ngẫm tâm ý của ta, làm ra vẻ tâm ý rất hợp nhau, đến lúc trở về nói chuyện với người khác, chưa chắc không thầm chế nhạo rằng tâm ý của ta đã bị kẻ ấy đoán trúng.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/8/158257.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/15/88608.html
Đăng ngày: 25– 01 – 2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 7)

[MINH HUỆ 3-7-2007]

Ai cũng từng phạm sai lầm, có lỗi lầm thì cần phải sửa

Thánh hiền còn không thể không mắc lỗi lầm, huống chi người bình thường không phải là thánh hiền, làm sao có thể mỗi việc đều làm được toàn thiện toàn mỹ đây? Một người phạm sai lầm, không phải cha mẹ anh chị người ấy, thì ai chịu dạy bảo quở trách người ấy chứ? Không phải là bạn thân, thì ai chịu khuyên can chỉ bảo cho người ấy đây? Những người có quan hệ bình thường chỉ đàm tiếu chế nhạo sau lưng người ấy mà thôi.

Người quân tử đức hạnh cao thượng chỉ sợ bản thân có lỗi lầm, âm thầm quan sát những điều người khác nói về mình, nghe được những lời bàn luận ấy sẽ cảm tạ người ta, hơn nữa suy nghĩ để sửa chữa lỗi lầm. Kẻ tiểu nhân kém đức nghe người khác bàn luận về mình, liền muốn cưỡng ép người khác phải giải thích rõ, thậm chí cắt đứt quan hệ bạn bè, còn có người vì thế mà kiện tụng tới công đường.

Dịch giả chú dẫn: Trong sách “Luận Ngữ” có một thí dụ, so sánh lỗi lầm của con người với nhật thực và nguyệt thực. Nhật thực và nguyệt thực chỉ tạm thời, nhưng mọi người đều có thể thấy được. Đợi đến lúc nhật nguyệt chiếu sáng trở lại, mọi người vẫn có thể ngước mắt lên chiêm ngưỡng chúng giống như trước kia. Từ đó ví von với người trót phạm lỗi lầm khó tránh, nếu có thể kịp thời sửa chữa, như thế mọi người còn có thể tôn kính người ấy giống như trước đây. Khổng Tử giảng: “Làm sai mà không sửa, thì gọi là sai lầm vậy”. Người ta nếu có sai phạm mà không chịu sửa chữa, thì đó là lỗi lầm thực sự. Từ cổ chí kim, ta thấy những người có thành tựu lớn đều có thể “Nghe người khác kể ra lỗi lầm của mình thì vui sướng”, biết sai thì sửa. Còn những kẻ lấp liếm lỗi lầm, không biết hối cải phần lớn cuối cùng đều thất bại.
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/7/3/157907.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/10/88465.html
Đăng ngày: 25– 01 – 2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 6)

[MINH HUỆ 2-7-2007]

Không gì có thể thoát khỏi mắt Thần

Bây giờ có người làm chuyện xấu, may mắn không ai phát hiện ra, liền dương dương tự đắc, yên tâm thoải mái, chẳng kiêng dè gì. Hoàn toàn chẳng biết tai mắt của người khác có thể ẩn giấu, làm sao thoát khỏi tai mắt Thần linh. Nhưng phàm chúng ta làm việc trong lòng cho rằng có thể được, trong lòng cho rằng chính xác, người khác mặc dù không biết, Thần linh đã biết rồi. Chúng ta làm việc, trong lòng cho rằng không thể, trong lòng cho rằng không đúng, người khác mặc dù không biết, Thần linh cũng đã biết rồi.

Làm ác trời phạt

Một người nếu làm chuyện xấu mà không thành công, thực ra không nên oán trời trách người, đây là Thượng Thiên yêu quý người ấy, Thượng Thiên khiến anh ta cuối cùng không gây họa. Nếu thấy người khác làm chuyện xấu thường vừa lòng như ý, cũng không nên sinh tâm thèm muốn. Đó chính là bởi Trời Cao đã vứt bỏ hắn rồi. Đến khi người ấy tích lũy việc xấu đến mức thâm sâu thì cũng là lúc Thượng Thiên ra tay tiêu diệt. Không biểu hiện trên người của kẻ ấy, cũng sẽ hoãn lại cho con cháu đời sau của kẻ ấy phải gánh chịu báo ứng. Tạm thời chờ đợi một thời gian, tự nhiên sẽ nhận thấy điều này.

Thiện ác chắc chắn có báo ứng

Có người làm việc xấu, bản thân rơi vào tội chết, nhưng con cháu người ấy lại cực kỳ thịnh vượng phát đạt, khiến mọi người thường cảm thấy kỳ quái, tưởng rằng luật Trời có sơ suất. Hoàn toàn chẳng biết trong gia đình người như thế, tổ tiên đã tích lũy được nhiều phúc đức, ít tạo nghiệp, đã làm nhiều việc thiện việc tốt hơn việc xấu việc ác, cho nên trong nhà ấy người làm ác bản thân chịu báo ứng là đủ rồi, không ảnh hưởng đến phúc phận của con cháu đời sau. Nếu làm rất nhiều việc xấu ác mà sau đó vẫn hưởng thụ cuộc sống giàu sang an lạc, thì nhất định phúc đức mà tổ tiên truyền lại ấy sẽ sớm ngày khô kiệt, Trời Cao cũng không còn trân trọng thương tiếc và dung dưỡng kẻ ấy nữa, mà để cho việc ác của hắn tích lại càng ngày càng nhiều, đến mức thâm sâu, cuối cùng khiến kẻ đó bị tiêu hủy hoàn toàn.
Bản tiếng Hán: http://minghui.org/mh/articles/2007/7/2/157906.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/3/88281.html
Đăng ngày: 25– 01 – 2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

20 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 5)

[MINH HUỆ 30-6-2007]

*Quên chỗ dở, nhớ chỗ hay của người ta

Trong tính cách phẩm hạnh của người ta, mặc dù có nhược điểm, cũng nhất định có ưu điểm. Kết giao với người khác, nếu thường chú trọng nhược điểm mà không nhìn thấy ưu điểm của họ, như thế khó có thể sống cùng họ dù chỉ một khắc. Ngược lại, nếu thường nghĩ đến điểm tốt của người ta, không so đo nhược điểm của họ, thì cả đời có thể hòa thuận với tất cả mọi người.

*Khinh mạn ghen ghét tự chuốc lấy nhục

Lúc đối nhân xử thế, nếu luôn mang tâm ngạo mạn, dối trá, tật đố, hoài nghi, như thế là tự mình làm cho người ta khinh miệt và sỉ nhục. Người quân tử Đức hạnh cao thượng sẽ không làm như thế.

Người có tâm ngạo mạn, thấy bản thân mình rõ ràng không như người ta, lại thích cợt nhả họ. Nhìn thấy người địa vị thấp hơn mình, cùng với những người cần mình, thì không chỉ trước mặt không tôn trọng, mà sau lưng còn thầm cười nhạo người ta. Người như thế nếu có thể tự kiểm điểm bản thân một lần, thì có thể xấu hổ đến mức toát mồ hôi đầm đìa.

Người mang tâm dối trá, ngôn từ mười phần uyển chuyển dễ nghe, bề ngoài đối với người khác rất phúc hậu, nhưng có thể trong lòng lại trái ngược hoàn toàn. Người như thế trong một thời gian ngắn ban đầu có thể được người ta tin tưởng ngưỡng mộ, nhưng cùng kẻ ấy giao tế qua lại đôi lần, bộ mặt thật của kẻ ấy sẽ lộ rõ hoàn toàn. Cuối cùng bị người ta khinh bỉ.

Người có tâm tật đố thường nghĩ rằng mình có địa vị cao hơn người khác, cho nên nghe thấy người khác được khen ngợi, thì tức giận bất bình, cho rằng lời khen ấy là sai lầm. Nghe người khác có chỗ nào không bằng người ta, thì cảm thấy vui mừng bật cười. Kỳ thực loại hành vi này chẳng có tác dụng gì đối với người khác, chỉ làm họ thêm oán giận mà thôi.

Người có tâm nghi ngờ, nghe người ta nói điều gì đó, có thể chỉ là thuận miệng nói một chút thôi, kẻ ấy lại cứ mãi nghĩ rằng: “Người này rốt cục cười nhạo ta chuyện gì? Kẻ nọ lại chế giễu ta việc gì đây?”. Người như thế thường là từ đó bắt đầu kết oán với người ta. Người có tài đức và kiến thức nghe người khác giễu cợt mình thì thường hoàn toàn chẳng để tâm, như thế không phải là giảm bớt rất nhiều điều phiền não sao!
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.ca/mh/articles/2007/6/30/157618.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/31/88184.html
Đăng ngày 19-01-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 4)

[MINH HUỆ 29-6-2007]

*Thích ứng với mọi hoàn cảnh, thuận theo tự nhiên

Con người sống ở thế gian, từ lúc có tri giác, có kiến thức, thì đã gặp những chuyện không vừa ý và phiền muộn. Đứa trẻ nhỏ gào khóc, đều là bởi có những việc không vừa lòng nó. Từ khi còn nhỏ đến lúc thiếu niên, thanh niên rồi già cả, những việc thuận tâm như ý thì ít, còn những chuyện không như ý thường là rất nhiều. Cho dù những người giàu sang đến mấy, được người trong thiên hạ tất cả đều ngưỡng mộ, cho rằng người ấy có cuộc sống chẳng khác Thần tiên, nhưng từng người trong số họ cũng đều có những chuyện không vừa ý, chẳng khác gì quảng đại quần chúng. Có khác chăng, thì chỉ là những chuyện mà người ấy lo lắng không giống với người bình thường khác mà thôi. Cho nên thế giới này được người ta gọi là “Thế giới thiếu sót”. Con người sống trên đời không ai có thể ở đâu cũng được như ý, chuyện gì cũng được mỹ mãn. Có thể khắc sâu hiểu rõ đạo lý này, trong những lúc gặp phải những chuyện không hay có thể bình thản xử lý, thì trong lòng sẽ thấy nhẹ nhàng thông suốt.

*Biết chỗ chưa tốt của mình mà tu chỉnh

Đức hạnh con người, tính cách từ lúc sinh ra thì có nhiều thiếu sót. Người có học vấn và tu dưỡng biết những chỗ chưa tốt của bản thân, cho nên học tập và bù đắp, thế là dần trở thành một người có đức hạnh hoàn mỹ. Người bình thường không biết những chỗ dở của mình, lại bị những chỗ không tốt ấy chi phối trong hành động, tùy ý làm việc, cho nên tạo thành rất nhiều lỗi lầm.

Trong sách “Thượng thư” nói đến 9 loại đức tính là “Khoan, nhu, nguyện, loạn, nhiễu, trực, giản, cương, cường”. Những đức tính này là của Trời cho; còn “Lật, lập, cung, kính, nghị, ôn, liêm, tắc, nghĩa”, những đức tính ấy là thông qua học tập mà dưỡng thành. Đây chính là những Đức hạnh của Thánh hiền. Đời sau có một số người nóng nảy thì mang thắt lưng để tự nhắc nhở mình cần phải điềm tĩnh, cũng có một số người tính tình chậm chạp thì đeo dây cung để tự nhắc mình cần phải kiên quyết, cũng là xuất phát từ nguyên nhân ấy. Dù là như vậy, những người bình thường bản thân không cách nào biết được những chỗ dở của bản thân mình, cần phải thỉnh giáo người khác thì mới có thể biết được.
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/6/29/157617.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/29/88108.html
Đăng ngày 19-01-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 3)

[MINH HUỆ 28-6-2007]

*Ngôn trung tín hành đốc kính

Lời nói cần phải trung tín, hành động tuân theo “Đốc”, “Kính”, đây là Thánh nhân dạy người ta phương pháp làm thế nào để có được sự kính trọng của mọi người.

Đại khái ở phương diện tiền tài vật chất, thì không làm những việc lợi mình hại người; trong tình cảnh nguy nan khốn khổ thì không làm những việc thuận lợi cho mình nhưng lại gây chướng ngại cho người khác. Đây chính là “Trung” mà mọi người thường nói đến. Một khi hứa hẹn với người ta, thì dẫu chỉ là việc nhỏ, cũng nhất định phải có kết quả; một khi ước định kỳ hạn, thì một khắc cũng không chậm trễ, đây chính là “Tín” mà người ta hằng nói đến.

Đối nhân xử thế nhiệt tình phúc hậu, nội tâm thành thật đôn hậu, đây chính là điều mọi người vẫn gọi là “Đốc” (chú thích: “Đốc” ý nghĩa là thành thật, phúc hậu, thuần chính). Lễ phép khiêm nhường cung kính, ngôn từ khiêm cung, người ta gọi ấy là “Kính”.

Nếu có thể làm được những đức tính này, không chỉ có thể được bà con kính trọng, mà làm việc gì cũng đều thuận lợi. Cung kính đối đãi người ta, bởi bản thân không tổn thất gì, người đời hoàn toàn có thể làm được. Thế nhưng bề ngoài đối xử người ta tốt lắm, nhưng trong lòng lại coi thường khinh miệt, đây là “Kính” nhưng không “Đốc”. Người quân tử xem những kẻ như thế ngang hàng với bọn tiểu nhân nịnh nọt ton hót, bà con lâu ngày cũng sẽ không còn kính trọng kẻ ấy nữa.

*Nghiêm khắc kiểm điểm bản thân, rộng lượng với người khác

Trung thành, giữ chữ Tín, phúc hậu, cung kính, những đức hạnh này đầu tiên bản thân phải có đủ, sau đó mới có thể hy vọng người khác cũng được như thế. Nếu chính mình chưa hoàn toàn đạt được những yêu cầu ấy, lại khắt khe yêu cầu người khác, người ta cũng sẽ từ đó trách cứ mình.

Hiện nay người có thể tự kiểm điểm bản thân xem có trung thành, giữ chữ tín, phúc hậu, cung kính hay không thực sự rất hiếm, mà yêu cầu khắt khe người khác thì lại rất nhiều. Kỳ thực, cho dù bản thân có được những đức hạnh ấy rồi, cũng không cần yêu cầu người khác phải làm được.

Bây giờ người có thể có được những đức hạnh này thì quả thật là tốt. Thế nhưng người ấy muốn kẻ khác cũng giống mình, nhất thời gặp chuyện không vừa lòng liền hung hăng quở trách người khác. Người như thế chắc chắn không có đức bao dung, rất dễ kết oán với người khác.

Người dịch chú thích:
Trong “Luận Ngữ” có ghi lại một câu chuyện cổ cũng trình bày về đạo lý này. Tử Hạ là học trò của Tử Trương xin thỉnh giáo làm thế nào để kết giao với người khác. Tử Trương giảng: “Quân tử tôn trọng người tài, cũng dung nạp người bình thường; khen thưởng người tốt, cũng thông cảm với những người có năng lực khác nhau. Nếu bản thân mình thực sự rất tốt, người nào lại không thể dung nạp ta? Nếu bản thân ta không tốt, người khác sẽ từ chối kết giao với ta, nói gì đến việc cự tuyệt người khác đây?”.
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/6/28/157619.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/30/88142.html
Đăng ngày 19-01-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

18 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 2)

[MINH HUỆ 25-6-2007]
*Thế sự vô thường chính là Ý Trời

Mọi chuyện trên đời biến hóa đa đoan, đó chính là Thiên ý. Thế nhân hiện nay thường thường thấy trước mắt có chút hưng vượng, thì tưởng rằng cuộc sống cả đời sẽ không cần phải lo buồn nữa. Không biết rằng những chuyện cửa nát nhà tan chỉ trong nháy mắt thật sự nhiều lắm. Nhìn chung Thiên Can 10 năm là 1 Giáp, mọi chuyện trên đời theo đó mà biến đổi. Bây giờ không cần nói chuyện quá khứ xa xôi, chỉ nói tình hình 10 năm trước so với bây giờ, sẽ phát hiện thấy thành, bại, thịnh, suy hoàn toàn không có một công thức nào cả. Người ta trên đời không biết nhìn xa, chỉ cần nhìn thấy người khác hưng vượng phát đạt hoặc là được một vài chuyện thuận tâm toại ý thì trong lòng sinh tâm ganh ghét, còn nhìn thấy người khác gia nghiệp suy bại hoặc có chút không thuận lợi thì chế nhạo họ. Những người cùng gia tộc hoặc đồng hương, rất dễ dàng bị tiêm nhiễm loại tâm bệnh này. Nếu biết được đạo lý rằng bất cứ việc gì cũng không cố định mà luôn đổi thay, như thế, lo lắng cho tương lai của chính mình còn không kịp, làm sao có thời giờ để mà ghen ghét người khác, cười nhạo người khác đây?

*Sống, chết, giàu, nghèo trong mệnh đã định sẵn

Người ta giàu sang là có định số. Chúa sáng thế đều đã định cho mỗi cá nhân một vận mệnh, nhưng cũng tạo cho con người những biến hóa khó lường thêm. Như vậy thúc đẩy con người vì quyền thế, tiền tài bận rộn ngược xuôi, mà con người đến chết thậm chí cũng không tỉnh ngộ. Nói rõ thêm ra, nếu không phải vì lợi ích mà bận rộn, như thế người trong thiên hạ đều không có chuyện gì đáng làm cả, mà Chúa sáng thế cũng không có biện pháp thúc đẩy mọi người chú tâm làm một việc gì. Thế nhưng, dù mọi người bận rộn ngược xuôi, nhưng chân chính đạt được vinh hoa phú quý chỉ có rất ít người. Những người bôn tẩu bận rộn suốt đời nhưng điều gì cũng không toại nguyện thì có đến hàng ngàn vạn.

Song, người ở trên đời có rất ít kẻ tranh giành được phú quý, còn những người khác thường phải bị lao tâm uổng sức. Có rất nhiều người tận đến lúc chết cũng không thành tựu được gì. Hoàn toàn chẳng biết rằng sự thành công của người ta cũng là trong Mệnh sớm đã định rồi. Nếu trong Mệnh đã định cho bạn được phú quý, cho dù không vất vả ngược xuôi mà bình thản chờ đợi, cuối cùng cũng sẽ được giàu sang. Cho nên ở trên đời những người có kiến thức cao, có thể khám phá hiểu thấu cõi Hồng trần, đều là tùy kỳ tự nhiên, trong lòng vô cùng bình tĩnh. Không có điều gì khiến họ ưu sầu hoặc là cao hứng, cũng không có điều gì đáng để cho họ phải oán giận. Vì ích lợi mà vất vả ngược xuôi hoặc cùng với người ta tranh đấu lẫn nhau, những thứ ý niệm đó không bao giờ nảy sinh trong tâm của họ. Như vậy có thể nảy sinh tranh chấp với người khác không? Các vị tiền bối nói: “Sinh tử phú quý của con người đều là trong mệnh đã định sẵn”. Đã định bạn là quý tộc thì chắc chắn bạn có thể trở thành quý tộc; trong mệnh đã định bạn là dân thường, bạn kiểu gì cũng vẫn là một thường dân. Câu nói này vô cùng chính xác mà lại đánh trúng chỗ yếu, chỉ là người thường đều không biết mà thôi.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/6/25/157435.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/19/87831.html
Đăng ngày 15-1-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Tuyển dịch trong bộ sách “Viên thị thế phạm” (phần 1)

[MINH HUỆ 23-6-2007] Viên Thải, tự là Quân Tái, là người Tín An dưới triều đại nhà Tống (nay là Thường Sơn, Chiết Giang). Vào năm Long Hưng Nguyên niên đỗ tiến sỹ xếp thứ 3, làm quan đến chức Giám đăng văn kiểm viện. Từng nhậm chức huyện lệnh huyện Thanh Huyền, được nhiều người khen ngợi vì đức tính liêm minh và cương trực. Vào năm thứ 5 đời vua Tống Hiếu Tông (Kiền Đạo năm thứ 3) để giáo hóa dân chúng địa phương, chỉnh đốn lại phong tục thuần chính, dạy cho dân luân thường đạo lý, ông đã viết sách “Tục huấn” giảng dạy về đạo lý đối nhân xử thế. Sau này quyển sách được đổi tên thành “Thế phạm”, cũng gọi là “Viên thị thế phạm”, được lưu truyền rất rộng rãi, ảnh hưởng sâu rộng, trở thành sách giáo khoa vỡ lòng cho các trường học tư thục, được phần lớn các quan đại phu hết sức coi trọng. “Tứ khố toàn thư” cũng thu nạp sách này, xếp ngang hàng với bộ “Nhan thị gia huấn”. Giờ đây tuyển dịch trong đó một số bài, để chúng ta cùng lĩnh hội được Thần Vận – văn hóa Thần truyền trong việc kính Trời hiểu Mệnh, trọng lễ trọng Đức, hiểu rõ được đạo lý đối nhân xử thế của người xưa (ghi chú: tiêu đề là dịch giả thêm vào).

*Phú quý bần tiện đều cần được đối xử như nhau

Trên đời có một số kẻ không có kiến thức, không thể đối xử bình đẳng với bà con cô bác như nhau, lại căn cứ vào việc người ta phú quý bần tiện mà phân chia cấp bậc cao thấp. Nhìn thấy người có tiền có quan chức thì lễ phép cung kính. Tiền tài càng nhiều, quan chức càng to thì lại càng cung kính. Còn nhìn thấy người bần cùng hay là địa vị thấp hèn thì có thái độ ngạo mạn, coi thường, không thèm quan tâm giúp đỡ. Những kẻ này hoàn toàn chẳng biết rằng, người khác phú quý cũng không phải là quang vinh của chính mình, người khác bần tiện cũng không phải là nỗi sỉ nhục của bản thân, cần gì phải căn cứ xem người ta phú quý hay bần tiện mà thái độ đối đãi khác nhau! Những người có Đức hạnh, có kiến thức quyết không bao giờ làm như vậy.

*Phú quý hay bần tiện đều là do Mệnh Trời

Phẩm hạnh tốt xấu và quan chức cao thấp là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không thể nói người có phẩm hạnh đoan chính thì nên được hưởng thụ phú quý vinh hoa, người phẩm hạnh không tốt, thì nhất định phải bị vận rủi. Nếu như vậy cả, thì Khổng Tử, Nhan Hồi đều nên được lên làm Tể tướng. Mà từ xưa đến nay Tể tướng và các quan lại thành đạt cũng không thiếu những kẻ tiểu nhân. Bồi dưỡng Đức hạnh của chính mình là việc mà chúng ta tự nhiên phải làm, không thể làm việc đó với mục đích mưu lợi nào cả, nếu không, một khi không đạt được mục đích, thì sẽ buông lỏng tu dưỡng Đức hạnh, khiến cho niềm tin ban đầu bị lung lay, từ đó trở thành hạng người tiểu nhân.

Hôm nay, thế gian có rất nhiều kẻ ngu xuẩn đang hưởng thụ phú quý, còn người có trí tuệ lại rất bần hàn. Đó đều là Thượng Thiên đã an bài như vậy, không cần phải truy tìm tận gốc nguyên do. Nếu hiểu được đạo lý này, giữ tâm thái bình thản, chẳng phải là loại bỏ được rất nhiều điều phiền não sao!
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/6/23/157434.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/15/87695.html
Đăng ngày 15-1-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

12 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Được và Mất

Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 20-6-2007] Vào thời nhà Tống, Lý Sỹ Hành nhậm chức tại Viện hàn lâm. Trong một lần đi sứ sang Triều Tiên, võ tướng Dư Anh đi theo làm phụ tá. Sau khi hoàn thành sứ mạng, đối với những thứ tài vật mà Triều Tiên biếu tặng, Lý Sỹ Hành đều không quan tâm để ý, tất cả đều ủy thác cho Dư Anh xử lý.

Lúc lên thuyền trở về nước, Dư Anh thấy đáy thuyền bị thấm nước, lo rằng những thứ vật phẩm của mình sẽ bị ẩm ướt, bèn lấy những thứ lụa là gấm vóc của Lý Sỹ Hành được tặng đem lót ở đáy thuyền, sau đó đặt những thứ của mình lên trên để tránh bị ẩm ướt.

Thuyền đi trong biển rộng, đột nhiên sóng gió nổi lên, như muốn nhấn chìm con thuyền. Mà thuyền lại quá nặng, tình hình mười phần nguy cấp, thuyền trưởng vội vàng thỉnh cầu Dư Anh vứt bỏ những thứ hàng hóa đó đi, để thuyền nhẹ bớt, nếu không thì thuyền lật người chết. Dư Anh lúc này cũng vô cùng hoảng loạn, nên vội vàng vơ những vật phẩm trên thuyền ném xuống biển. Ước chừng số vật phẩm đã bị mất mát khoảng một nửa, thì sóng gió ngừng lại, thuyền cũng ổn định lại, bọn họ rốt cục thoát hiểm.

Khi Dư Anh kiểm tra lại số vật phẩm, mới phát hiện những thứ ném xuống biển toàn bộ đều là những đồ đạc của mình. Còn những tặng phẩm của Lý Sỹ Hành bởi vì chất đống ở dưới đáy thuyền, cho nên hoàn toàn không bị sứt mẻ tí nào, chỉ bị ướt đôi chút mà thôi.

Đối với những thứ tài vật tặng phẩm, thái độ của hai người không hề giống nhau. Lý Sỹ Hành bởi “không quan tâm chú ý”, kết quả hoàn toàn chẳng bị mất mát gì, còn Dư Anh thì hết sức “để ý”, kết quả hoàn toàn chẳng được gì. Kỳ thực phát sinh ra chuyện này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Lý Sỹ Hành được việc, là do ông bình thường xem nhẹ danh lợi và làm người chính trực. Dư Anh hỏng việc, chính bởi vì ông ta mê chuộng tài vật, làm người không phúc hậu. Hai người đó cảnh giới tư tưởng bất đồng, làm việc sinh ra kết quả bất đồng. Thưởng Thiện phạt Ác, Đạo Trời quán xuyến tất cả.
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/6/20/157198.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/7/1/87245.html
Đăng ngày 09-01-2010; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.
Chuyên mục: Văn hoá truyền thống

Bài được đăng trên tuần báo Minh Huệ,

11 tháng 1 2010

Luật nhân quả: Tội tà dâm mang lại quả báo kinh hoàng

[Chanhkien.org] Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân chính là tội tà dâm. Hành vi này Trời Đất không dung, Quỷ Thần phẫn nộ. Ngay khi một ý niệm dâm dục khởi phát, thậm chí trước khi hành vi nào đó xảy ra, đã là phạm tội lỗi lớn (tạo nghiệp to lớn). Nếu phạm lỗi, không chỉ người đó đã gây ra tai họa lớn cho chính mình, mà còn mang tới bất hạnh cho con cái họ.

Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Đối với những người phạm tội tà dâm, một số thì bị mất mạng, một số thì bị mất chức vị, một số hủy hoại gia đình và một số thì bị tuyệt tự. Một người có thể có mệnh phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người có thể có mệnh được hưởng phúc và thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể bị tật nguyền hay chết yểu. Một người có thể có vợ hiền thục và tiết hạnh, nhưng nếu phạm tội tà dâm, bạn đời của anh ta có thể trở nên lẳng lơ và phóng đãng.

Trong quá khứ, một số người có công năng có thể nhìn thấy rằng quả báo với tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Lấy ví dụ, thông dâm với vợ người khác, hay làm ô uế con gái nhà người ta sẽ bị đày đọa dưới địa ngục trong 500 năm. Sau đó, anh ta có thể phải mang thân trâu ngựa trong 500 nữa, trước khi được chuyển sinh thành người. Thậm chí khi thành người, anh ta có thể phải làm nghề kỹ nữ. Nếu ai đó bày mưu thông dâm với một góa phụ hay ni cô, làm bại hoại nhân luân, người đó sẽ phải chịu khổ dưới địa ngục trong 800 năm. Sau đó, anh ta có thể đầu thai thành lợn hoặc dê để bị mổ lấy thịt trong 800 năm tiếp theo. Đến khi lại được mang thân người, anh ta có thể bị đau khổ vì tàn tật. Quyến rũ người có địa vị cao hay trẻ nhỏ, làm bại hoại cương thường (*), sẽ khiến người đó chịu khổ dưới địa ngục trong 1.500 năm. Đến khi lại được mang thân người, người đó có thể bị chết trong bụng mẹ hay chết non, tức là có một đời sống cực ngắn. Tất nhiên, những quả báo này không phải là toàn bộ, mà có thể khác nhau tùy theo trường hợp. Tuy nhiên, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tội tà dâm.

Mặc dù quả báo với tội tà dâm là cực kỳ nghiêm trọng, nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn với những người xúi giục người khác. Sự đau khổ trong địa ngục là ngoài sức mô tả. Một khi vào ngục Vô Gián, thì sẽ không còn đường ra nữa. Sự hưởng lạc và phóng túng nơi nhân gian chỉ là rất ngắn ngủi, vì thế chúng ta không nên làm ngơ với những gì sẽ chờ đợi chúng ta sau khi chết. Một người khôn ngoan nên hiểu rõ điều này.

Chú thích:

Cương thường – ý nói tam cương (三 綱) và ngũ thường (五 常).

Tam cương là quân thần (君 臣), phụ tử (父 子) (cha con), phu phụ (夫 婦) (vợ chồng).

Ngũ thường là nhân (仁), lễ (義), nghĩa(禮), trí(智), tín(信) .

Cương(綱) – giường lưới. Lưới có giường mới kéo được các mắt, cho nên cái gì mà có thống hệ không thể rời được đều gọi là cương.

Thường (常) – thường (lâu dài); Đạo thường. Ngũ thường- năm đạo thường của người lúc nào cũng phải có không thể thiếu được.

Bài được đăng trên tuần báo Chánh Kiến.

02 tháng 1 2010

không đề

Cũng hết một năm

Đời sống muôn mầu cũng lại một năm nữa qua đi, chúng ta ai cũng thêm tuổi mới, thế thì thư mọi người hay nói khi đầu năm mới gặp nhau, ta "Chúc mừng năm mới" tới mọi người;

Khi người ta có thêm một tuổi mới cũng tự nhiên lớn thêm một chút, ý nghĩa là phải hiểu biết xã hội nhiều hơn, học hỏi nhiều kiến thức hơn, tích lũy kinh nghiệm sống nhiều hơn,... đơn giản thì các cụ hay gọi thông dụng với nhau là "ăn lên làm gia", theo hiểu ý thì là học hành tiến bộ và tiến tới công thành trên đường đời.

Thời gian là sự kỳ diệu của tự nhiên nó tuần tự trôi qua không chờ đợi ai, cũng không nhắn nhủ với ai một điều gì có lẽ chăng đó là những nếp nhăn tăng thêm của mỗi người, hay được đánh dấu bới sự nghiệp của họ, hoặc bằng một cái gì đó.

Chúng ta sinh ra đỏ hỏn và mũm mĩm, khóc o a, o e; chẳng mang theo gì cả chỉ có tiếng khóc chào thế giới này, qua năm tháng trẻ thơ vô tư, hồn nhiên, từ khi sinh ra tới khoảng năm, sáu tuổi; qua thời gian và môi trường lúc này mỗi cá nhân sẽ được học tập và có những suy nghĩ, tư tưởng và hành động khác nhau, anh bạn này học giỏi, tôi thì học trung bình thôi, cô kia xinh, chú kia thì tốt, bác này thì nóng tính quá,... mỗi cá nhân đều có một tư tưởng và một nền văn hóa làm gốc cho sự phát triển tính cách sau này, các tư tưởng truyền thống được truyền từ các thế hệ này tới các thế hệ khác, giúp con người trong xã hội và thời kỳ đó sống với một tinh thần và sự ước thúc của văn hóa truyền thống, sự ước thúc của Đạo đức, lòng thành kính, biết ơn, sự chân trọng người hiền đức; kính trên nhường dưới, giúp đỡ người ta trong lúc khó khăn, từ đó con người hướng thiện, lòng người chân thật, khoan dung độ lượng,
một cá nhân là một tế bào của xã hội, nhiều cá nhân trong một xã hội đều có sự ước thúc với văn hóa truyền thống thì đất nước với những cá nhân này xẽ ngày càng phát triển từ nội lực.

Trên thế giới với các nền văn hóa đa dạng đang được đồng hóa với xu thế hội nhập, không biết mỗi chúng ta có vững vàng với văn hóa truyền thống, để hòa đồng với thế giới không?.

Bây giờ, thoảng vẫn hay nghe các cụ nói với chúng ta câu nói, "hãy tích đức", hay "tích đức cho con cháu"; chúng ta tự hỏi tại sao các cụ đến khi gần cả một cuộc đời sống đây đó, khi về già cũng là gần đi gặp các bậc tiền bối rồi thì sao lại nhắc nhở chúng ta như vậy, theo hiểu biết cá nhân thì thực sự ý nghĩa lắm ạ, đó là một bài học là một kinh nghiệm sống mà các cụ để lại cho chúng ta, khi sinh không mang đến cái gì, khi ra đi cũng vậy các cụ cũng chẳng mang theo gì, đó là sự thực;

Vậy tại làm sao các cụ khi về già mới hiểu và thường nhắc nhở con cháu, làm việc thiện, tích đức, có phải các cụ đã trải nghiệm và thấy được điều gì đó rồi và nói với chúng ta. Vậy khi chúng ta còn trẻ tại sao không tiếp thu lời chỉ báo đó.

Văn học có ông Trịnh Công Sơn cũng có nói trong một bài hát, "cát bụi lại trở về với cát bụi"; đó chỉ là một ví von để đơn giản thôi;

daocuong
02/01/2010

01 tháng 1 2010

Văn hóa Thần truyền: Yến Thù chân thành

[MINH HUỆ 19-11-2009] Trong “Mộng khê bút đàm” có ghi lại một câu chuyện xưa: Khi Yến Thù vẫn còn là thiếu niên, Trương Tri Bạch đã đề cử ông với triều đình. Hoàng thượng triệu ông tới cung điện, đúng lúc gặp kỳ thi đình để chọn tiến sỹ, liền lệnh cho Yến Thù dự thi luôn. Yến Thù vừa thấy đề thi liền nói: “Thần mười ngày trước đã dùng đề này để làm bài rồi, bản thảo của bài phú ấy thậm chí vẫn còn, khẩn cầu được xin đề khác”. Hoàng thượng rất thích sự thẳng thắn của anh.

Đến khi Yến Thù nhậm chức, đúng lúc Thiên hạ thái bình, triều đình cho phép quan lại chọn lựa nơi nào tốt mà làm yến tiệc vui chơi. Lúc ấy các quan sỹ đại phu tại quán các nhậm chức đều tụ tập đi du lịch khắp nơi, đến nỗi chợ phiên lẫn các cao lầu tửu quán, thường thường đều có những chỗ đặc biệt dành riêng cho các vị quan sỹ đại phu du lịch nghỉ ngơi. Yến Thù lúc đó rất nghèo, không thể ra ngoài du ngoạn được, nên ở lại nhà cùng các vị huynh đệ nghiên cứu học vấn. Một ngày triều đình tuyển quan lại cho Đông cung (nơi ở của Thái tử), đột nhiên trong cung truyền ra lệnh của Hoàng thượng bổ nhiệm Yến Thù làm quan đại thần mà không rõ nguyên do. Ngày thứ 2 các vị chấp chính đại thần yết kiến chờ xét duyệt, Hoàng thượng mới giải thích cho bọn họ: “Gần đây nghe nói các quan viên đều đi vui chơi, cả ngày lẫn đêm, chỉ có Yến Thù đóng cửa cùng với huynh đệ đọc sách. Yến Thù cẩn thận đôn hậu như thế, có thể đảm nhiệm được chức quan ở Đông cung”.

Yến Thù được bổ nhiệm rồi, được vào cung diện kiến, Hoàng thượng trực diện nói rõ nguyên nhân vì sao bổ nhiệm quan chức cho ông. Yến Thù nói chuyện ngay thẳng, trả lời rằng: “Thần không phải không thích đi du ngoạn, chỉ vì quá nghèo không có tiền đi. Thần nếu có tiền cũng sẽ đi vui chơi, chỉ vì không có tiền, nên không có cách nào khác đó thôi”. Hoàng thượng càng thêm coi trọng sự thành thật của ông, cho rằng ông hiểu được đạo lý quan trọng trong việc phụng sự cho vua, ngày càng ân sủng ông hơn. Trong thời vua Nhân Tông, Yến Thù rốt cuộc luôn được trọng dụng.

Bởi vì thành thật mà được Hoàng thượng trọng dụng, thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý. Kỳ thực người Trung Quốc không thiếu truyền thống “Thành tín”, trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, những người thành thật và giữ chữ tín được mọi người tôn sùng, trân quý.

Khổng Tử viết: “Tự cổ giai hữu tử, dân vô tín tắc bất lập”. (Tạm dịch: Xưa nay vẫn có người chết, nếu người dân mất niềm tin thì tồn tại được)

Trong sách “Đại học” có nói: “Thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Trong sách “Trung dung” có câu nói về nguyên tắc: “Thành, ngũ thường chi bổn, bách hành chi nguyên dã”. (Tạm dịch: Thành tín là gốc rễ của ngũ thường, cũng là nguyên lý của trăm việc làm / trăm đức hạnh).

Thành tín cách chúng ta cũng không xa xôi gì, trong lịch sử các doanh nhân vang danh thiên hạ, cũng là dựa vào uy lực của “Thành tín”.

Song, từ khi Đảng Cộng sản cướp đoạt chính quyền, lấy thuyết Vô thần thống trị tư tưởng, phá hủy chính tín đối với Thần của mọi người. Không có tín ngưỡng, người ta mất đi sự ràng buộc của nội tâm, lạc lối mà chạy theo tiền của, quyền lực, tôn sùng bạo lực và lừa dối. Mỗi người trong tâm đều khát vọng Chân thành, rồi lại bị người khác âm mưu làm tổn hại, khiến trong lòng nảy sinh ý lừa gạt lẫn nhau, mỗi người trong cảnh đó đếu sống thật là mệt mỏi u sầu.

Từ cổ chí kim, những kẻ bách hại chính tín chưa ai đạt được mục đích. Hoàng đế La Mã xưa vì để tăng cường thống trị, hạ lệnh phá hủy giáo hội, những môn đồ Cơ đốc giáo không buông bỏ tín ngưỡng bị thiêu sống, bị treo cổ, bị ném vào trường đấu cho ác thú cắn chết. Về sau Đế quốc La Mã liên tiếp xảy ra 4 trận đại ôn dịch, dần đi đến diệt vong.

Chuyện kinh người tương tự như thế đã từng xảy ra, lấy lịch sử mà xem xét, chỉ mong mọi người có thể phân biệt được đúng sai.
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/html/articles/2009/12/7/112891.html
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/19/212766.html
Đăng ngày 01-01-2010; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Bài được đăng trên tuần báo Minh Huệ