Văn hóa Thần truyền: Thanh cao chính trực, chí công vô tư
Bài của Trí Chân
[MINH HUỆ 19-8-2007] Dương Phổ là người Hồ Quảng, Thạch Thủ (nay thuộc Hồ Bắc) dưới triều Minh. Ông từng nhậm chức Hàn lâm biên soạn, sau làm tới chức Tể tướng. Ông nổi tiếng vì phẩm cách thanh cao, chất phác chính trực, được người đời sau ca tụng là vị Thừa tướng tài đức một đời.
Vào mùa đông năm Vĩnh Nhạc thứ bảy, Dương Phổ nhậm chức Thái tử tẩy mã kiêm chức quan Tổng giám khảo kỳ thi Hội, phụ trách quản lý việc thi cử và nhậm chức của sỹ tử trong cả nước. Tại quê nhà Thạch Thủ, Cao Lăng, hai người em trai của ông tên là Dương Hạo và Dương Lâm thấy anh trai nắm quyền cao, cảm thấy công danh của mình có tương lai đầy hứa hẹn. Các bạn học của họ đều tới nịnh bợ tâng bốc họ, ngay cả con trai của quan Huyện lệnh và các quan lại khác cũng tới kết thân và nhờ vả. Họ bỏ tiền đưa hai người tới kinh thành, muốn nhờ hỏi thăm xem tình hình đề thi năm nay sẽ thế nào.
Hai người tới nhà anh trai, bắt đầu nói về chuyện thi cử năm nay, rồi xin anh trai tiết lộ một chút bí mật đề thi cho họ. Dương Phổ nghe xong bừng bừng giận dữ, quở trách họ tâm tư không chính trực, giảng rõ rằng những kẻ không có thực học mà ra làm quan thì chỉ có hại nước hại dân, huống hồ việc tiết lộ đề thi là phạm tội phải tru di toàn tộc, không lẽ các em không muốn sống nữa hay sao! hai người xấu hổ vô cùng, Dương Phổ bèn viết lại câu thơ “Cao Lăng thanh khí vạn cổ vân” trao cho họ mang về, chiếu theo đó mà cảnh tỉnh bản thân và trui rèn tâm chí.
Sau này bởi vì chuyện sai sứ đến nghênh đón Hoàng đế bị chậm trễ, lại bị Hán Vương hãm hại nên Thái tử bị giam vào ngục 10 năm. Dương Phổ là quan trực thuộc Thái tử quản lý, cho nên cũng bị liên đới vào tù. Ông tuy thân nằm trong lao ngục nhưng tâm tư vẫn bao trùm thiên hạ, hàng ngày trong nhà lao đọc sách mãi không ngừng.
Sau khi Hoàng đế Nhân Tông lên ngôi, Dương Phổ được tha, được giao cho chủ trì thi công lầu Hoằng Văn. Hoàng đế Tuyên Tông lên ngôi, Dương Phổ được thăng chức làm Thiếu bảo, Đại học sỹ điện Vũ Anh, là quan nhất phẩm.
Hai người em trai ảnh hưởng bởi chuyện anh trai bị giam oan 10 năm trong ngục mà mất sớm. Con trai lớn của hai người đều đã quá tuổi lập thân, nhiều lần thi Hương không đậu, hai người bèn lên kinh đô tìm Dương Phổ. Dương Phổ nhớ tới hoàn cảnh cha chúng chết sớm, gia cảnh nghèo khổ không cầm được nước mắt. Hai người cầu bác trai nói đôi lời với Bộ lại, để cho họ ban đầu làm chức quan sáu phẩm hay bảy phẩm gì đó cũng được. Dương Phổ nghe xong lắc đầu, nói rằng triều đình chỉ có thể thông qua khoa cử mà chọn hiền tài. Đặc biệt lúc nhậm chức cần phải được Hoàng thượng phê chuẩn, nếu thông qua quan hệ cá nhân mà sắp xếp thì chính là phạm pháp, ông không thể làm như thế được. Ngay cả Dương Đán cũng không phải là ngoại lệ. (Dương Phổ có năm người con trai, trong đó bốn người chết yểu, chỉ có người con thứ hai tên là Dương Đán còn sống)
Hai người vô cùng thất vọng, bắt đầu khóc lớn, nói rằng con trai và người thân của các quan lại khác đều được tiến cử làm quan, nhưng Dương Phổ ân cần tha thiết dạy bảo họ: muốn người khác đi theo đường Chính thì trước tiên mình phải làm gương, cần phải chọn những người tài giỏi làm quan. Ông còn nói người làm quan cần phải luôn luôn lo nghĩ cho dân, còn nếu không sẽ có hại cho quốc gia và cũng tự hại mình, làm tổn danh tổn Đức. Các cháu không nên suy nghĩ như thế nữa. Nói xong bèn viết tặng một câu đối “Công quyền khởi khả vi tư hành”, kèm theo 1000 lạng bạc cho họ trở về nhà phụng dưỡng mẹ và yên tâm làm ruộng.
Có một ngày, con trai Dương Đán của ông từ quê nhà tới kinh thành thăm cha. Ông hỏi con trai: “Con từ quê tới kinh thành, trên đường có nghe danh viên quan huyện nào là thông thái sáng suốt hay không?”. Người con trai bực tức nói: “Con đang muốn tố cáo, Huyện lệnh huyện Giang Lăng tên gọi Phạm Lý là không hiền minh nhất. Con đường đường là con trai của Tể tướng, các quan Huyện lệnh khác đối với con đều hết sức trọng vọng, chỉ có ông ta là đối với con tùy tiện thất lễ …”. Nghe con trai nói xong, Dương Phổ nghĩ Huyện lệnh huyện Giang Lăng có thể là một vị quan thanh liêm chính trực không phô trương lãng phí, không nịnh bợ nơi quyền quý. Ông nghiêm khắc phê bình con: “Huyện lệnh huyện Giang Lăng xem con trai Tể tướng giống như con trai của dân thường, đó chính là chỗ thông thái và sáng suốt của ông ấy. Con làm sao có thể trách ông ta được? Cha thấy vấn đề là tâm tư của con không chính. Sau này không được suy nghĩ như thế”.
Dương Phổ lặng lẽ ghi nhớ tên của Phạm Lý, về sau hỏi thăm mới biết Phạm Lý là con người cực kỳ thanh liêm, rất được dân chúng yêu quý. Ông đích thân đề bạt Phạm Lý làm quan Tri phủ Đức Châu. Không lâu sau lại để cho ông ta làm quan Tả bố chính sử Quý Châu.
Thái Hoàng Thái hậu nhớ tới chuyện Dương Phổ vì bị liên lụy tiên đế mà phải ngồi tù, gia đình bị hại, chỉ còn một con trai thứ tên là Dương Đán còn sống, bèn hạ chỉ ban cho Dương Đán ban đầu nhậm một chức quan sáu phẩm là Đại lý tự Thiếu khanh, đợi tương lai sẽ cất nhắc. Dương Đán nhậm chức rồi thì vui mừng không tự chủ được, thường nói toạc ra thân phận con cháu Công khanh ngay giữa chỗ đông người. Dân chúng nghe vậy tránh đường vái chào. Dương Phổ biết chuyện thì nghiêm khắc dạy bảo, còn chỉ rõ ra những quy tắc làm quan, chủ yếu là không được hà hiếp nhân dân, cần phải xem trăm họ như cha mẹ. Ông viết câu đối “Hảo quan tu vi nhụ tử ngưu”, lệnh cho con treo trong phòng ngủ để tự kiểm điểm lời nói và việc làm bản thân. Dương Đán nhờ sự giám sát dạy bảo của cha bắt đầu siêng năng trong công tác, thận trọng từ lời nói đến việc làm, được mọi người khen ngợi.
Lúc này trong triều đấu đá tranh quyền kịch liệt. Bởi vì vua Anh Tông còn nhỏ tuổi, bọn hoạn quan chuyên quyền, kéo bè kết đảng. Dương Phổ làm Tể tướng, vì để bảo toàn đại cục nên dẫn đầu làm gương tinh giản biên chế, quyết định đưa Dương Đán về quê làm ruộng. Ông một lòng đại nghĩa, vì dân vì nước mà khuyên nhủ con trai, viết lại mấy câu thơ và câu đối “Lương dân cẩn ký gia phong thuần” để dạy bảo và động viên con.
Năm Chính Thống thứ sáu, Dương Phổ về quê viếng mộ, thấy trong gian nhà chính treo đủ bốn câu đối của mình: “Cao lăng thanh khí vạn cổ vân, công quyền khởi khả vi tư hành, hảo quan tu vi nhụ tử ngưu, lương dân cẩn ký gia phong thuần”. Ông làm quan 50 năm, quyền cao chức trọng nhưng rất nghiêm khắc với bản thân, là một tấm gương về đạo làm quan và dùng người tài đức, vừa là gương mẫu trong việc tề gia và dạy bảo con cái.
Ngày nay rất nhiều người làm quan chỉ vì tư lợi bản thân mà chọn toàn người thân thích, kéo bè kết phái, đố kỵ với người tài, vu cáo hãm hại người tốt, không những là trái với Thiên lý mà còn làm mất lòng dân. Những người chân chính có đạo đức cao thượng và tiết tháo, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể xem nhẹ bản thân, lấy đất nước và nhân dân làm căn bản trách nhiệm của mình, lúc nào cũng có thể lấy Đức phục nhân.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/8/19/160160.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/9/25/89892.html
Đăng ngày 13-3-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ