20 tháng 4 2010

Văn hóa Thần truyền: Chuyện dạy con của người xưa

Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-11-2007] Đất nước Trung Quốc có hơn 5000 năm lịch sử, nổi tiếng thế giới là nước coi trọng “Gia giáo”. Người xưa giáo dục con cái cần phải tu thân giữ đức mới có thể “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, lưu lại cho đời sau rất nhiều kinh nghiệm quý giá.

Gia Cát Lượng dạy con cần phải “Chí hướng cao xa”

Gia Cát Lượng cả đời vì nước vì dân, hy sinh lợi ích cá nhân vì việc công, để lại gương sáng cho đời sau. Ông giáo dục con cái cần có chí hướng cao xa. Năm ông 54 tuổi ông viết cho con trai lên 8 của mình là Gia Cát Chiêm bài “Giới tử thư” tổng kết kinh nghiệm cả đời của Gia Cát Lượng. Trong thư ông yêu cầu con cái của mình: “Người quân tử lấy tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng Đức, không đạm bạc thì không sáng chí, không tĩnh lặng thì trí không cao. Trượng phu cần tu tâm tĩnh lặng, cũng cần tu học, không học thì không thể có tài năng quảng đại, không có chí thì việc học không thể có thành tựu”. Nhắc nhở con cái muốn đạt tới tĩnh cần không ngừng tu thân và tự kiểm điểm bản thân. Muốn làm được Kiệm cần phải bồi dưỡng tài năng đức hạnh và tiết tháo cao thượng. Tâm mà không trong sáng có nhiều dục vọng thì không thể có chí hướng rõ ràng, không an định tĩnh lặng thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa. Để biến lý tưởng thành hiện thực cần phải không ngừng học tập tri thức, không có ý chí kiên định thì không thể nào thành công được.

Gia Cát Lượng đặt nhiều kỳ vọng to lớn ở con cái. Con cái ông sau này đều trở thành những bậc quân tử không màng danh lợi, trung nghĩa với đất nước, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến hết mình. Đó chính là ý nghĩa và giá trị của “Tĩnh lặng” và “Trí cao”.

Dạy con “Tu thân vì nhân dân”

Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh nghèo khó, hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm bà Khấu thường vừa kéo sợi vừa dạy Khấu Chuẩn đọc sách, đôn đốc cho Khấu Chuẩn khổ học thành tài. Sau này Khấu Chuẩn về kinh thành dự thi, đậu tiến sỹ. Tin vui truyền về tới quê nhà, trong lúc mẹ của Khấu Chuẩn đang bệnh nặng. Phút lâm chung bà giao bức họa mà mình tự vẽ cho người nhà là bà mụ họ Lưu, nói rằng: “Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm, thì bà hãy trao bức họa này cho nó!”.

Sau này Khấu Chuẩn làm Tể tướng. Một lần ông mời mấy người bạn tới nhà chúc mừng sinh nhật bản thân, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi các đồng liêu. Bà mụ họ Lưu cho rằng đã đúng lúc rồi, bèn lấy bức họa của bà Khấu đưa cho ông. Khấu Chuẩn xem qua, nhìn thấy một tấm “Hàn song khóa tử đồ”, trên bức vẽ đề một bài thơ:

“Cô đăng khóa độc khổ hàm tân,
vọng nhĩ tu thân vi vạn dân;
cần kiệm gia phong từ mẫu huấn,
tha niên phú quý mạc vong bần”.

Tạm dịch:
Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân;
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh nghèo hèn.

Bất ngờ nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bất giác lệ tràn như suối. Thế là lập tức giải tán tiệc mừng thọ. Từ đó về sau ông luôn luôn giữ mình trong sạch, yêu thương nhân dân, luôn theo lẽ công bằng không vụ lợi cho bản thân, trở thành vị Tể tướng tài đức nổi tiếng thời nhà Tống.

Từ Miễn thề để tiếng thơm cho con cháu

Từ Miễn làm quan Trung thư lệnh thời nhà Lương, suốt đời có địa vị cao. Ông nghiêm khắc với bản thân, làm việc công chính mà cẩn thận, tiết kiệm không tham lam, không quan tâm đến gia sản. Bình thường những bổng lộc phần lớn đều chia cho người thân, bạn bè và những người dân nghèo khổ, bởi vậy trong nhà không có của cải gì cả. Trong số khách khứa và bạn hữu của ông có người khuyên ông nên thu vén một chút sản nghiệp để lại cho con cháu, nhưng ông trả lời rằng: “Người ta để tiền của lại cho con cháu, còn tôi để tiếng thơm lại cho con cháu. Con cháu mà có Đức có tài, chúng tự nhiên có thể sáng lập nên gia nghiệp. Còn nếu chúng không có tài đức, dẫu tôi có để lại tài sản cũng vô dụng”.

Từ Miễn thường xuyên dạy bảo con cái cần phải trọng phẩm hạnh đạo đức. Ông từng viết thư nhắc nhở con trai tên là Từ Tung, nói: “Gia thế nhà ta rất thanh liêm, cho nên cuộc sống thường ngày có kham khổ. Đến cả việc mua sắm sản nghiệp, từ trước tới nay chưa hề đề cập đến, chứ không chỉ là không kinh doanh mà thôi. Người xưa nói: ‘Để lại cho con cháu nguyên sọt vàng, không bằng dạy chúng siêng năng học tập một quyển kinh thư’. Nghiên cứu cẩn thận những lời bàn này, thực sự không phải là những lời nói suông. Mặc dù ta không có tài cán gì, nhưng có tâm nguyện, vui mừng được tuân theo lời giáo huấn này của cổ nhân, không dám bỏ dở nửa chừng. Từ lúc ta có được quyền cao chức trọng tới nay đã gần 30 năm, có một số môn khách và bằng hữu đều cực lực khuyên ta hãy thừa dịp khi có chức có quyền mà tùy cơ hành sự, mua sắm ruộng vườn để lại cho các ngươi, ta đều cự tuyệt không chấp thuận. Bởi vì ta cho rằng chỉ có để lại thứ quý giá nhất là sự thanh bạch cho đời sau, mới có thể khiến con cháu được hưởng phúc vô cùng”. Con cái của Từ Miễn về sau đều trở thành những người tài đức nổi tiếng xa gần.

Đặc điểm của giáo dục trong gia đình là lời nói và việc làm đều gương mẫu, làm người khác biến đổi một cách âm thầm. Bởi vì trẻ con có tính dễ thích nghi, cho nên việc giáo dục phẩm hạnh cho chúng càng trở nên quan trọng. Đối với những đạo lý mà chúng nhất thời không thể hiểu được, trong thực tiễn chúng dần đều sẽ tiếp xúc đến được, chỉ có hướng dẫn một cách đúng đắn mới có thể giúp chúng đi đúng con đường chính đạo. Làm cha làm mẹ, thường là muốn lấy những gì tốt đẹp nhất mà để lại cho con cái, kỳ thực bất kể là cấp cho chúng bao nhiêu tiền của đi nữa thì cũng đều là những vật ngoài thân, chỉ có giáo dục chúng trọng đức hướng Thiện, mới là thực sự lo cho tương lai lâu dài của chúng. Có như vậy mới có thể giúp chúng thu được lợi ích chân chính, bất kỳ lúc nào cũng có thể bảo trì được đầu não tỉnh táo sáng suốt, biết phân biệt rõ đúng sai, lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/11/17/166729.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/12/5/91867.html
Đăng ngày 20-04-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Kính trọng Thần Phật với tấm lòng ngay thẳng chân thành

Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 22-7-2007] Mảnh đất Trung Quốc xưa kia được gọi là Thần Châu. Văn hóa Trung Quốc là do Thần truyền lại cho con người, cho nên trong lịch sử từ Thiên tử cho đến thần dân, tất cả đều lấy tín ngưỡng làm căn bản, xem đạo đức làm tôn chỉ, lấy sự kính trọng Trời Thần, tu thân tích Đức đặt ở vị trí trọng yếu. Kinh thư Thánh hiền có thể hướng dẫn cho con người tu dưỡng từ thể xác tới tinh thần, cung kính tuân theo cái lý của bậc Thánh hiền thì có thể được công đức và phúc báo.

Như trong thời kỳ Trinh Quán triều đại Đường Thái Tông, trường Hoằng Văn có học sỹ là Tiêu Đức Ngôn, thông hiểu kinh thư và sử sách, đặc biệt là “Tả thị Xuân Thu”, có trình độ tu dưỡng cao thâm. Mỗi khi ông mở sách “Ngũ kinh” đọc hoặc là khi giảng dạy, thì trước tiên tắm rửa thay quần áo, mũ áo gọn gàng sạch sẽ, ngồi ngay ngắn trang nghiêm, tuổi càng về già lại càng siêng năng và cung kính. Người khác khuyên ông: “Cụ tuổi cao rồi, cần gì phải tự làm khổ mình như thế?”. Tiêu Đức Ngôn trả lời: “Kinh thư là những lời dạy của Tiên Thánh lưu truyền lại, đối diện với những lời dạy bảo quý báu ấy làm sao có thể sợ khổ nhọc được?”

Sau này Đường Thái Tông nghe chuyện, rất ngưỡng mộ đức tính cung kính thận trọng của Tiêu Đức Ngôn, bèn hạ chiếu ra lệnh cho Tiêu Đức Ngôn để dạy dỗ cho Tấn Vương, còn phong cho ông làm Vũ Dương Huyện Hầu. Tiêu Đức Ngôn cả đời quý hiển, sống thọ đến 97 tuổi.

Kinh thư của Phật gia có thể giúp con người khai trí khai huệ, dạy con người sửa đổi hướng thiện, ăn năn hối lỗi, bỏ ác theo thiện, từ đó có được công đức vô lượng. Đối diện với kinh Phật, đầu tiên cần phải có tâm tri ân, hai tay sạch sẽ, bàn đọc sách cần thanh tịnh ngăn nắp, nội tâm cần phải thành kính, giống như là đang được bái kiến Phật vậy. Nhưng nếu càn rỡ bất kính, không biết kính sợ, tùy tiện khởi tâm khinh mạn, lưu giữ thiển kiến cố chấp của bản thân, tùy tiện nói những lời phỉ báng, thì có tội lỗi tày trời, sẽ phải chịu báo ứng khổ ải vô tận. Có một phần cung kính thì có thể tiêu được một phần nghiệp chướng, có mười phần cung kính, là có thể tiêu mười phần ác nghiệp, tăng thêm mười phần phúc đức và trí tuệ.

Ví dụ như vào triều đại nhà Tùy, ở Dương Châu có một vị hòa thượng hàng ngày tụng kinh Phật. Một ngày nọ, có mấy người đột nhiên bị chết, hồn bay về Âm phủ, Diêm vương mời chú sa di ngồi trên ngai vàng, tiếp đãi vô cùng cung kính, nhưng lại mời hòa thượng ngồi trên ghế bạc, đối đãi đơn giản sơ sài, làm cho vị hòa thượng đó vô cùng xấu hổ. Không lâu sau mấy người ấy đều sống trở lại. Hòa thượng bèn tới núi Kỳ Sơn thăm chú sa di, thỉnh giáo xem nguyên do vì sao lại như vậy. Chú sa di trả lời: “Mỗi khi tôi tụng kinh, thì luôn luôn mặc quần áo sạch sẽ, đốt hương thơm, cung kính mà tụng kinh”. Hòa thượng nói: “Tôi có tội quá lớn rồi, thường xuyên không chỉnh đốn tác phong khi tụng kinh, thân khẩu không tịnh, thật là quá không cung kính! Xấu hổ quá!”.

Có một người học trò tên là Cao Thiên Hữu, cùng với 2 người bạn học đến Giang Ninh dự thi. Thi xong, nghe nói trên núi Kê Minh có vị Thủ Nguyên thiền sư đạo hạnh cao thâm, thế là cùng nhau tới viếng thăm và thỉnh giáo. Thiền sư nói: “Mấy người các vị đều xứng đáng thi đậu, nhưng Cao Quân thì không thể đậu được, bởi vì lỗi lầm lấy kinh thư dùng làm cái gối”. Cao Quân cẩn thận ngẫm lại xem, nguyên là trong cái rương hành lý có kinh thư, khi ngủ anh đã dùng cái rương thay cho cái gối mà chưa thỉnh quyển kinh thư ấy ra ngoài. Cuối cùng đến khi yết bảng kết quả kỳ thi, quả nhiên là ứng nghiệm y như vậy.

Còn có một ghi chép như thế này: có một người học trò trẻ tuổi họ Trầm, tự cho là mình học giỏi. Một lần khi anh ta đọc sách ở trong một ngôi chùa cũ nát, nhìn thấy một quyển kinh trên bàn thờ Lục tổ, bèn lấy bút son tùy tiện viết lung tung lên chữ nghĩa của quyển kinh ấy. Sau khi về nhà chẳng bao lâu anh ta chết bất đắc kỳ tử. Anh ta về báo mộng cho cha mình, nói: bởi vì tội viết vẽ lung tung vào kinh Phật cho nên bây giờ bị phạt đày xuống địa ngục. Trên người anh ta bị gông cùm lửa cháy, đau khổ vô cùng. Bởi vậy anh ta xin cha đến ngôi chùa tiêu điều ấy, tìm cho ra cuốn kinh Phật, tẩy sạch những chỗ bôi quệt lung tung kia đi, thì anh mới có thể thoát khỏi sự trừng phạt khốn khổ. Người cha đau xót mãi, rồi nhanh chóng tới chùa tìm kiếm, quả nhiên tìm thấy cuốn kinh, bèn vội vàng gột sạch những chỗ viết vẽ tùy tiện, còn phát nguyện rằng sẽ in lại một bộ kinh ấy để lưu truyền, để cho người con đã chết được sám hối lỗi lầm.

Xưa nay một số người tài hoa xuất chúng, thậm chí có công lao sự nghiệp sáng lạn, nhưng bởi vì không biết tu tâm kính trọng Thần Phật, không ngờ rằng đến phút lâm chung tùy theo Nghiệp mà bị chuyển sinh trong nhiều nẻo luân hồi, không thể tự làm chủ kiếp phận của mình. Do vậy con người ta sống trên đời, ngoài việc cố gắng làm tròn chức phận của bản thân, thì còn cần phải tu tâm hướng thiện, bởi vì phản bổn quy chân mới là mục đích chân chính của đời người. Hôm nay, Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền trên thế giới, đó là Pháp lớn cơ bản của vũ trụ, mỗi người chúng ta đều cần phải chiếu theo tiêu chuẩn đạo đức “Chân, Thiện, Nhẫn” mà sống và làm việc. Xin hãy biết quý trọng Đại Pháp, đối đãi đàng hoàng với kinh sách Đại Pháp, có chính tâm có thành ý, hiểu rõ được đạo lý “Cung kính được phúc, bất kính chịu tội” này.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/9/22/163120.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/11/14/91333.html
Đăng ngày 19-04-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

14 tháng 4 2010

Văn hóa Thần truyền: Tôn Sư trọng Đạo

Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 11-5-2009] Tôn Sư trọng Đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người thầy là người truyền thụ các luân lý đạo đức, tri thức và quan niệm về giá trị, dạy người ta cách đối nhân xử thế, và là những mẫu mực về đạo đức. Trong sách “Lễ ký – Học ký” có nói : “Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính. Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học”. Duy hộ sự tôn nghiêm của đạo làm Thầy, chẳng những yêu cầu lời nói và hành động của người học trò phải thể hiện được sự tôn kính và lễ phép với Thầy, mà trọng yếu là trong lòng học trò phải kính trọng Thầy, nghiêm khắc làm theo những yêu cầu của Thầy. Những thí dụ về việc cổ nhân tôn kính người Thầy có rất nhiều, dưới đây trình bày vài câu chuyện.

Doãn Hỷ bái sư

Doãn Hỷ là một viên quan lớn hiền tài thời Tây Chu. Từ nhỏ đã thích đọc sách cổ, tinh thông lịch pháp, giỏi thiên văn, biết nhìn vào quá khứ để đoán nhận tương lai. Một ngày, ông ngẩng đầu xem thiên tượng, thấy ở trời Đông mây tía thành quầng, biết rằng Thánh nhân đang đi về phía Tây, thế là xin được nhận chức quan Lệnh ở Hàm Cốc. Ông dặn dò các quan binh giữ cửa thành rằng: “Trong vòng mấy ngày nữa sẽ có một vị đại Thánh nhân đi qua cửa này, nếu như gặp người nào có tướng mạo phi phàm thoát tục thì cần phải lập tức bẩm báo cho ta”. Đồng thời phái người vẩy nước quét dọn con đường, thắp hương 2 bên đường để nghênh đón Thánh nhân. Vài ngày sau, Doãn Hỷ được báo tin có một ông lão dáng như Tiên Đạo, ngồi trên chiếc xe do một con trâu xanh kéo muốn ra khỏi cửa quan. Ông liền chạy tới đón tiếp, cách xe trâu kéo mấy trượng đã quỳ lạy nói: “Quan lệnh Doãn Hỷ xin khấu kiến Thánh nhân!”.

Ông lão nói: “Tôi chỉ là một người tầm thường, ông thi lễ quá như thế, không biết có điều gì muốn dạy bảo?”.

Doãn Hỷ nói: “Con sớm từ lâu đã xem biết thiên tượng, ở đây đợi đã nhiều ngày, chân thành mong được Thánh nhân chỉ giáo cho”.

Ông lão nói: “Làm sao ông biết được?”.

Doãn Hỷ nói: “Con biết thiên văn, hiểu biết sơ sài về Dịch lý. Mùa Đông năm ngoái, sao Thiên Thánh vượt qua sao Mão. Đầu tháng nay, gió nhẹ thổi tới, thấy có mây tía từ phía Đông kéo đến, biết có Thánh nhân đang đi về Tây. Mây tía dăng dăng, dài đến 3 vạn dặm, biết vị đại Thánh chí tôn sắp xuất hiện tuyệt nhiên không phải là một vị Thần thông thường. Mây tía ấy được tinh tượng có hình con trâu xanh dẫn dắt, nên Thánh nhân chắc chắn là cưỡi xe trâu mà tới. Hôm nay gặp Thánh nhân dung mạo phi phàm, những mong được chỉ bảo về Đạo lý tu hành. Doãn Hỷ vô cùng biết ơn”.

Ông lão thấy Doãn Hỷ có tâm cầu Đạo chí thành, tâm tính nhân từ, bèn cười đáp: “Ông đã biết lão phu, lão phu cũng biết ông, ông cũng là cần phải được đắc độ”.

Doãn Hỷ vô cùng vui mừng, khấu đầu hỏi: “Xin được hỏi tên họ của đại Thánh nhân?”.

Ông lão nói: “Ta tên họ mịt mù, không thể nói rõ hết được, nay mang họ Lý, tự là Bá Dương, thường gọi là Lão Tử”.

Doãn Hỷ nghe nói là Lão Tử, liền dâng hương khấu đầu, cung kính bái lạy ông làm Thầy.

Lão Tử lấy những quan niệm của mình về Đạo đức, về vũ trụ, nhân sinh và xã hội viết lại thành bộ sách 5000 chữ, là “Đạo đức kinh” truyền thụ cho Doãn Hỷ. Doãn Hỷ dựa theo những lời dạy bảo của Lão Tử kiên định tu hành, hoằng dương học thuyết Đạo gia để quản lý việc nước, cứu nhân độ thế. Sau này ông tu thành Đại Đạo, được gọi là Doãn Chân Nhân.

Các học trò của Khổng Tử

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc thời cổ đại. Lúc sinh thời ông có rất nhiều học trò, tương truyền rằng đệ tử có 3000, hiền tài trong số ấy được 72 người. Lời nói và việc làm của ông đối với các đệ tử là rất gương mẫu. Tính cách theo đuổi chân lý, lý tưởng, một nhân cách hoàn mỹ; sự trung thành với nước, quan tâm đến trăm họ, đức tính thiện lương chính trực, khiêm nhường lễ phép của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến các học trò và hậu thế. Các đệ tử của ông trong lòng đều tôn kính ông hết mực, lấy lễ phép đối với cha để đối đãi với Khổng Tử, xem ý chí của ông như ý chí của bản thân mình, lấy thực tiễn và việc truyền bá đạo nghĩa, lấy việc hành nghĩa làm giá trị tối cao của cuộc đời. Như Nhan Hồi: “Sống thanh bần vui với Đạo“, tu thân và tuân thủ lễ nghi một cách nghiêm khắc, thầy nói làm sao thì mình làm thế ấy. Mật Tử Tiện “đánh đàn Cầm mà cai trị thật giỏi“, thi hành biện pháp chính trị dùng đạo lý và lễ nhạc, giúp nhân dân no ấm, Đức hạnh tự nhiên bắt rễ sâu vào lòng dân chúng. Tử Hạ chỉnh lý lại thư tịch, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, cảm hóa hướng thiện dân chúng.

Các học trò của Khổng Tử đi theo ông không nề hà cực khổ, chu du khắp các nước để khuếch trương Đạo nghĩa. Khi gặp kẻ phỉ báng Khổng Tử, họ đứng ra biện hộ giúp thầy, bảo vệ nhân cách cao thượng của thầy. Như Tử Cống nghiêm nghị phê bình ngược lại kẻ công kích là “Không biết tự lượng”. Tử Lộ đi theo bảo vệ thầy rất nghiêm mật. Lòng sùng kính của họ đối với thầy đúng như lời Tằng Tham nói: “Đức lớn của thầy giáo thuần khiết như được gột tẩy bằng nước sông, lại giống như ánh mặt trời chiếu rọi ngày thu, cũng thánh khiết rộng lớn vô biên như trời đất”. Tằng Tham kế thừa và hoằng dương học thuyết Khổng Tử, kiên định phổ biến nền chính trị nhân từ, nói: “Người có học phải kiên định và nghị lực, bởi vì trách nhiệm trọng đại mà lộ trình thì xa xôi. Lấy làm việc nhân đức coi như trách nhiệm của bản thân, không phải là rất trọng đại sao? Duy hộ chính nghĩa cho đến tận cùng, không phải là rất xa xôi sao?”

Đường Thái Tông dạy con kính trọng thầy

Đường Thái Tông là một vị minh quân hiếm gặp trong lịch sử Trung Quốc. Ông vô cùng coi trọng việc giáo dục con cái, lựa chọn cho con những vị thầy giáo đức cao vọng trọng, học vấn uyên bác, như Lý Cương, Trương Huyền Tố, Ngụy Chinh, Vương Khuê. Ông còn nhiều lần dạy bảo con cái nhất định cần phải tôn trọng thầy. Có lần, Lý Cương vì bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Lúc ấy trong Hoàng cung chế độ nghiêm khắc, quan lại đều giữ mình rất cẩn thận. Đường Thái Tông biết chuyện, liền đặc biệt cho phép Lý Cương ngồi kiệu vào cung dạy học, còn ra lệnh cho hoàng tử nghênh đón thầy giáo. Lần khác, Đường Thái Tông nghe được có người phản ánh hoàng tử thứ 4 là Lý Thái không tôn kính thầy giáo Vương Khuê, ông bèn phê bình Lý Thái ngay trước mặt Vương Khuê, nói: “Sau này mỗi lần gặp mặt thầy giáo, cũng giống như nhìn thấy ta, cần phải tôn kính, không được có nửa điểm buông lơi”. Từ đó về sau, Lý Thái gặp Vương Khuê luôn luôn kính cẩn nghênh tiếp, nghe giảng cũng rất nghiêm túc. Bởi vì Đường Thái Tông gia giáo rất nghiêm, các vị hoàng tử đối với thầy giáo đều rất tôn kính.

Đường Thái Tông từng hạ chiếu nói: “Trẫm tìm tòi đối chiếu trong lịch sử, thì các bậc minh Vương thánh Đế đều có những người thầy giỏi! Vua Hoàng đế học Thái Điên, vua Chuyên Húc học Lục Đồ, vua Nghiêu học Doãn Thọ, vua Thuấn học Vụ Thành Chiêu, vua Vũ học Tây Vương Quốc, vua Thang học Uy Tử Bá, vua Văn Vương học Tử Kỳ, Chu Vũ Vương học Quắc Thúc. Người mà không học, thì không rõ đạo lý từ xưa. Không có ai thiếu điều đó mà có thể cai trị đất nước được thái bình”. Một mặt ông nhấn mạnh vấn đề tôn kính thầy giáo và xem trọng giáo dục, thường hạ chiếu thư quy định rằng phải trọng đãi các thầy giáo, còn dạy bảo các hoàng tử gặp thầy cũng như gặp cha. Mặt khác ông khuyến khích các thầy giáo đối với lỗi lầm của các hoàng tử thì cần phải hết sức can ngăn giáo dục. Hoàng tử thứ 9 là Lý Trì được lập làm Thái tử, Đường Thái Tông càng yêu cầu nghiêm khắc hơn. Lý Trì mỗi lần nghe cha và thầy giáo dạy bảo, đều luôn đứng nghiêm kính cẩn, sau đó cảm ơn lời dạy dỗ, bày tỏ nhất định sẽ “Khắc ghi trong tâm”, “Vĩnh viễn không quên”.

Cổ ngữ nói: “Một ngày làm thầy, cả đời là cha”. Tinh thần tôn sư trọng đạo của người xưa được đời sau truyền tụng thành giai thoại, được nhân dân học tập và kính ngưỡng.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2009/5/13/200767.html
Bản tiếng Anh: http://clearwisdom.net/html/articles/2010/4/9/115996.html
Đăng ngày 14-4-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

03 tháng 4 2010

Văn hóa Thần truyền: Nhận thức của Hoàng đế Khang Hy khi động đất xảy ra

[MINH HUỆ 30-9-2007] Vào giữa trưa ngày 2 tháng 9 năm 1679, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại kinh thành. Trận động đất này mạnh cấp 8, tâm chấn nằm tại Bình Cốc, Tam Hà. Động đất ảnh hưởng đến một phạm vi rất rộng lớn gồm 6 tỉnh: Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam cùng với hơn 200 châu huyện khác nhau. Tại kinh thành nhiều đoạn tường thành, các trụ sở chính quyền, nhiều nhà dân đều bị đổ sập, rất nhiều người chết và bị thương.

Tác phẩm tranh tường lớn trên một hành lang trong cung điện : “Khang Hy Nam tuần đồ”

Đối với thiên tai bất ngờ này, Vua Khang Hy nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp khắc phục. Một mặt ông lấy 10 vạn lượng bạc trong kho bạc nhà nước để cứu trợ nạn dân. Mặt khác ông kêu gọi các quan lại và người giàu quyên góp tiền của để cứu trợ. Nhưng trên hết, ông ra lệnh cho quan lại lớn bé trong triều phải nghiêm chỉnh kiểm điểm lại bản thân và các công tác của mình một cách toàn diện. Ông tự mình làm gương “biết kinh sợ” và “cố gắng tu tỉnh”, đồng thời yêu cầu các quan phải “nhất định sẽ nhổ tận gốc các tệ nạn xã hội đã kéo dài bấy lâu nay”. “Các khanh cần phải thanh tẩy từ bản chất, công chính tự thề với bản thân mình, ra sức cải đổi những điều sai trái của bản thân, nuôi tâm chí vì nhân dân và tổ quốc”.

Chưa đầy 4 tiếng sau khi động đất, vua Khang Hy ra lệnh triệu tập “Nội các, các quan Cửu khanh, chiêm sự, khoa, quan lại Mãn Hán”, còn cho gọi các đại học sỹ Minh Châu, Lý Úy tới cung Càn Thanh, nghiêm khắc căn dặn và phê bình mấy viên quan “Từ lúc được bổ nhiệm tới nay, sinh kế quá đầy đủ, hoàn toàn chẳng còn chút tâm đền ơn báo quốc”, chẳng những không thanh liêm chuyên cần mà ngược lại hành vi “càng thêm tham lam vô độ, đã thành thói quen” rồi. Vua còn tỏ rõ quyết tâm: nếu những loại người “gian ác” như thế không “cố gắng tỉnh ngộ và thay đổi”, một khi bị điều tra ra được, thì “hoàn toàn chiếu theo quốc pháp, quyết không tha thứ”.

Vài ngày sau, Khang Hy lại một lần nữa triệu tập “Các quan lại người Mãn người Hán, trên từ quan Học sỹ xuống dưới tới quan Phó đô ngự sử” ra cửa Tả dực môn, cho người truyền chỉ thị, tuyên bố rõ 6 điều tệ nạn trong việc chính sự mà ông nhận thấy:

Một là: Các cấp quan lại cai trị hà khắc và bắt dân chúng phải lao dịch nặng nề, vơ vét của dân cho đầy túi tham khiến nhân dân khốn khổ.

Hai là: Có rất nhiều quan đại thần vì tư lợi mà làm trái phép công.

Ba là: Trong lúc dùng binh, tùy tiện giết người đốt nhà cướp bóc của người dân vô tội.

Bốn là: Quan lại địa phương đối với những điều khốn khổ của nhân dân thì không dâng sớ tâu trình phản ánh. Còn đối với việc cứu trợ cho dân chúng những lúc thiên tai hạn hán thì xâm phạm cướp đoạt bừa bãi, báo cáo giả dối, nhân dân trong thực tế không được hưởng sự cứu trợ của nhà nước.

Năm là: hình phạt tù ngục bất công, nhiều vụ án tồn đọng không xem xét giải quyết.

Sáu là: Người nhà và nô bộc của nhiều Vương Công đại thần chiếm đoạt lợi ích của dân đen, can thiệp vào việc kiện cáo tố tụng, làm càn bậy coi thường pháp luật. Khang Hy yêu cầu các quan đại thần phải đề xuất các biện pháp cụ thể để nghiêm cấm 6 loại tệ nạn như trên. Ông đặc biệt nhấn mạnh: muốn loại trừ được tệ nạn, thì mấu chốt là các quan lớn phải làm gương mẫu trước tiên, bởi vì “Quan đại thần liêm chính, thì các quan Tổng đốc, Tuần phủ mới kiêng sợ, không dám vì việc tư lợi mà làm trái pháp luật. Tổng đốc, Tuần phủ thanh liêm chính trực, thì quan lại cấp dưới tự nhiên sẽ có phẩm hạnh trong sạch, tuy chỉ có một chút lỗi lầm thiếu sót cũng nhất định lo lắng và tu chỉnh, không gây ra những việc tổn hại nặng nề cho dân chúng”.

Các quan Đại thần căn cứ theo lệnh của Hoàng đế, trong vòng 10 ngày đã nghĩ ra các biện pháp trừ bỏ 6 điều tệ nạn kể trên, bao gồm “cách chức truy tố”, “vĩnh viễn không bổ nhiệm làm quan nữa” và cả biện pháp xử phạt nghiêm khắc là tử hình đối với những kẻ vi phạm. Khang Hy đã phê chuẩn những biện pháp xử lý ấy.

Hoàng đế Khang Hy làm như thế bởi vì ông tuân theo quy luật của vũ trụ và là người “Kính Trời hiểu Mệnh”. “Trời” ở đây tức là Tự Nhiên, tức là đặc tính của vũ trụ, siêu việt không gian và thời gian. Người Trung Quốc từ xưa đã nhận thức được quy luật “Thiên nhân hợp nhất”, hiểu được rằng có những sức mạnh tiềm ẩn đàng sau mọi thứ trong tự nhiên. Vì vậy, những thiên tai ấy thường là sự cảnh cáo từ Thiên Thượng. Ngày nay những kẻ nắm quyền hành, đối mặt với những hiện tượng dị thường, sóng thần, dịch cúm gia cầm cùng với rất nhiều những thứ gọi là “Tai họa tự nhiên” đã và đang phát sinh, có mấy ai có thể được như Hoàng đế Khang Hy biết hướng vào nội tâm mà suy xét tìm kiếm những lỗi lầm của bản thân mà tu chỉnh, nhờ đó thuận theo Cơ Trời để lại đạt được trạng thái “Thiên nhân hợp nhất”?

Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/9/30/163262.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/11/9/91207.html
Đăng ngày 31-3-2010: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản