19 tháng 3 2010

Câu chuyện chưa kể trong lịch sử: Lão Tử, Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni

Bài của Bất Danh

[CHÁNH KIẾN 7-5-2006] Sau khi thời Xuân Thu đã đi qua được 2500 năm, ngoại trừ Phật gia không có học phái nào có thể ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Trung Hoa đến thế. Bởi vậy, ông tổ của 3 gia phái này là Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử và Lão Tử được người đời sau ngưỡng mộ và sùng bái.

Thật trùng hợp ở chỗ, ngày tháng 3 vị ấy ra đời chênh nhau không quá 20 năm. Theo góc nhìn lịch sử, thì 3 vị ấy là người của cùng một thời đại. Năm 571 Trước công nguyên, ngày 15 tháng 2 Lão Tử giáng sinh tại nước Sở, huyện Khổ (nay là huyện Lộc Ấp, Hà Nam). 5 năm sau, ngày 8 tháng 4 năm 566 Trước công nguyên Thích Ca Mâu Ni giáng sinh ở Kim Ni Bạc Nhĩ. 15 năm sau, vào ngày 27 tháng 8 năm 551 Trước công nguyên, Khổng Tử ra đời tại Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

3 vị Thánh giả giáng sinh vào cùng một thời đại, ấy là sự trùng hợp của lịch sử hay là Ý Trời đã an bài như vậy?

Lão Tử

“Lão Tử” tên thật là Lý Nhĩ, tên tự là Bá Dương. “Lão” là ý gọi người tuổi cao Đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Tương truyền Lão Tử bẩm sinh có khí chất phi phàm, am hiểu chuyện xưa, giỏi việc lễ chế, từng đảm nhiệm chức quan “Thủ tàng thất sử” (tương đương với giám đốc thư viện quốc gia hoặc là giám đốc viện bảo tàng quốc gia) và chức Trụ hạ sử (tương đương với chức quan Ngự sử thời Tần, Hán). Lão Tử ở lại Lạc Dương nước Chu thật lâu, thấy rõ sự suy sụp của nhà Chu. Năm 500 trước công nguyên, trong hoàng tộc nhà Chu phát sinh cuộc nội chiến tranh giành ngôi vị, Lão Tử bị liên lụy và bị bãi quan. Lão Tử cảm thấy nhân thế hiểm ác, bèn rời đi. Ông lưu lạc khắp 4 phương trời nhưng không để ai biết danh tính của mình.

Ngày 1 tháng 9 năm 478 trước công nguyên, Lão Tử 93 tuổi đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa Hàm Cốc, quan Lệnh tên là Doãn Hỷ ở đó xem bói đã biết trước là sẽ có một Thần nhân đi qua đây, bèn sai người quét dọn sạch sẽ 40 dặm đường để nghênh đón. Quả nhiên Lão Tử tới. Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh Ngài muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế!”. Lão Tử tại Trung Nguyên chưa từng truyền thụ lại điều gì. Ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là sẽ đắc Đạo, bèn tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết lại cuốn sách nổi tiếng ngàn đời: “Đạo Đức kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa… Lưu Sa là chỉ vùng sa mạc lớn ở Tân Cương. Không ai biết cuối cùng ông đã đi về nơi đâu.

Khổng Tử từng đến kinh đô nước Chu, thỉnh giáo Lão Tử về Lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nước Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “Các nguyên tắc trị nước mà các vị Tiên vương đã dùng”, khảo sát “Nguồn gốc của Lễ Nhạc”, học tập “Các quy phạm đạo đức”, bởi vậy việc ông tới viếng thăm Lão Tử, vị quan tinh thông chế độ Lễ nghi và quản lý thư viện hoàng gia, ấy là an bài tối quan trọng [của Thiên thượng]. Khổng Tử sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, đã nói một câu lưu truyền đời sau rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo [học thuyết của] nhà Chu”. Chế độ Lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo Lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương làm cơ sở mà đặt định ra, và Khổng Tử chủ trương sử dụng Lễ chế của thời đại nhà Chu. Có thể thấy chuyến đi lần ấy của ông thu được ích lợi không hề nhỏ.

Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.

Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương Nhân Nghĩa“.

Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”

Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”.

Khổng Tử nói: “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”.

Lão Tử nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhất rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.

Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.

Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.

Khổng Tử thỉnh giáo xong Lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi Lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì Lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện Lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút Lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị 1 thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.

Khổng Tử không biết nên trả lời ra sao, nhưng vẫn không buông bỏ chí hướng của mình: Đại trượng phu “biết rõ những việc không thể làm mà vẫn làm”. Tham quan xong các địa phương khác, Khổng Tử cáo từ Lão Tử, mang theo trong lòng những nỗi niềm phấn khởi xen lẫn với thất vọng mà rời kinh đô Lạc Dương của nhà Chu. Phấn khởi là vì học hỏi lễ giáo đã thành công, thất vọng là vì những lời khuyến cáo của Lão Tử. Phía sau lưng ông, một bia đá được dựng lên ghi lại mấy chữ: “Khổng Tử đến đất Chu học hỏi lễ nghi”.

Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.

Đó chính là sự khác nhau cơ bản giữa một Giác Giả độ nhân và một nhà tư tưởng của nhân gian. Cái gọi là “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” (Tạm dịch: không cùng một trình độ tu Đạo thì tâm cảnh cũng khác nhau xa), chính là tình huống như thế này. Đạo lý của Lão Tử vi diệu khó có thể hiểu nổi, bởi vì ấy là lời giáo huấn của Thần. Lời của Khổng Tử chẳng qua chỉ là học vấn của con người, là quy phạm đạo đức và hành vi của loài người mà thôi.

Khổng Tử

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tên tự là Trọng Ni, sinh vào nước Lỗ năm 551 trước công nguyên.

Khi lớn lên, Khổng Tử từng làm một chức quan nhỏ chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Khổng Tử thân cao 9 xích 6 tấc (xích là đơn vị đo lường cổ Trung Hoa = 1/3 mét), mọi người đều gọi ông là “Người cao lớn”, cho rằng ông là người phi thường.

Sau khi Khổng Tử tới đất Chu học hỏi Lễ nghi trở về lại nước Lỗ, các học trò theo ông học tập dần dần đông lên. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của nhà nước. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại.

Lúc Khổng Tử 35 tuổi tới nước Tề. Tề Cảnh Công thỉnh giáo Khổng Tử về đạo trị nước. Khổng Tử nói: “Quân vương cần phải có phong thái của quân vương, bề tôi cần phải có phong thái của bề tôi, cha cần có phong thái của người cha, con cần có phong thái của con”. Cảnh Công nghe xong nói: “Cực kỳ đúng! Nếu quân vương không ra quân vương, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thì cho dù có rất nhiều lương thực, ta làm sao có thể ăn được đây!”. Ngày khác Cảnh Công lại thỉnh giáo Khổng Tử về Đạo lý trị quốc, Khổng Tử nói: “Quản lý quốc gia cần nhất là tiết kiệm chi tiêu, ngăn chặn lãng phí từ gốc rễ”. Cảnh Công nghe xong rất phấn khởi, định đem đất Ni Khê phong thưởng cho Khổng Tử.

Yến Anh khuyên can nói: “Loại nhà Nho này, có thể nói đạo lý, không thể dùng pháp luật mà ràng buộc được họ. Họ cao ngạo tùy hứng, tự cho mình là đúng. Họ coi trọng tang lễ, dốc hết tình cảm bi thương, an táng trọng thể mà không ngại bị khuynh gia bại sản. Họ đi khắp nơi du thuyết, cầu xin quan lộc. Bởi vậy không thể dùng họ để quản lý quốc gia được. Hiện nay Khổng Tử nói về dung mạo phục sức, đặt định lễ tiết thượng triều hạ triều rườm rà, chính là mấy đời người cũng học tập không xong được, cả đời cũng làm không được thông. Nếu Ngài muốn đem bộ những thứ này để thay đổi phong tục của nước Tề, e rằng không phải là biện pháp tốt để dẫn dắt trăm họ”.

Yến Anh khuyên can có hiệu quả. Sau đó Tề Cảnh Công tiếp đãi Khổng Tử rất có lễ độ, nhưng không còn hỏi về những vấn đề có liên quan đến Lễ nữa. Trong số các quan đại phu nước Tề có người muốn mưu hại Khổng Tử. Cảnh Công nói với Khổng Tử: “Ta đã già rồi, không thể bổ nhiệm quan tước cho ông được nữa”. Thế là Khổng Tử rời Tề trở về Lỗ.

Tại nước Lỗ, Khổng Tử tuy về mặt chính trị có rất nhiều thành tích, cũng từng làm một vài chuyện lớn, nhưng con đường làm quan không hề trôi chảy. Có lần nhà Vua chủ trì một đại lễ tế Trời, quan đại phu Tam Hoàn cố tình không chia cho ông một khối thịt tế nào. Đó là loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong Chế độ Lễ nghi của nhà Chu. Khổng Tử biết con đường làm quan của mình không có hy vọng gì, bèn rời quê nhà đi dạy học bốn phương trời, tuyên truyền những chủ trương chính trị của mình.

Lúc đó Khổng Tử khoảng chừng 50 tuổi. Ông không nề hà khổ nhọc, dùng 13 năm để dẫn dắt học trò chu du các nước, đi du thuyết khắp nơi. Nhưng các nước đều không chấp thuận chủ trương của ông. Năm 63 tuổi, Khổng Tử trở lại nước Lỗ. Cuối cùng nước Lỗ cũng không trọng dụng Khổng Tử, mà Khổng Tử cũng không muốn ra làm quan nữa.

Tuy là một người tuổi đã gần đất xa trời, nhưng ngọn lửa tư tưởng trong 9 năm cuối đời đã phát huy được thành tựu rực rỡ. Khổng Tử dốc lòng thu nhận học trò, biên soạn điển tịch, tạo thành một hệ thống tư tưởng Nho học trong 9 năm cuối đời mình.

Thời đại Khổng Tử, nhà Chu đã suy, Lễ nhạc đã phôi pha, ‘Thi’, ‘Thư’ cũng không còn toàn vẹn nữa. Khổng Tử tìm tòi nghiên cứu chế độ lễ nghi của 3 thời đại Hạ, Thương, Tây Chu, biên định “Thượng thư”, “Lễ ký”. Khổng Tử sau khi từ nước Vệ trở về nước Lỗ, thì bắt đầu đính chính lại Thi Nhạc, khiến cho “Nhã”, “Tụng” đều khôi phục lại được nhạc điệu ban đầu. “Kinh Thi” vốn có 3000 bài được truyền lại từ thời cổ đại. Đến thời Khổng Tử, ông cắt bỏ những chỗ trùng lặp, lựa chọn trong đó những bài phù hợp cho việc dạy bảo Lễ Nghĩa.

Lúc về già Khổng Tử thích nghiên cứu “Chu Dịch”. Ông giải thích về “Thoán từ”, “Hào từ”, “Quái”, “Văn ngôn”. Khổng Tử đọc Chu Dịch rất siêng năng, đến nỗi sợi dây da trâu buộc sách đã nhiều lần bị mòn đứt. Ông nói: “Để ta sống lâu thêm vài năm nữa, ta có thể nắm vững và giải thích rõ ràng nội dung và đạo lý trong từng câu văn của “Chu Dịch”".

Khổng Tử nói: “Quân tử lo lắng nhất chính là sau khi chết không lưu lại được tiếng thơm. Chủ trương của ta không thể thực thi, ta lấy gì để cống hiến cho xã hội và lưu danh hậu thế đây?”. Bèn căn cứ vào các sách lịch sử của nước Lỗ biên soạn ra bộ “Xuân Thu”, trên từ năm Lỗ Ân Công đầu tiên (722 TCN) xuống tới năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 TCN), tổng cộng 12 đời vua nước Lỗ. Lấy nước Lỗ làm trung tâm để biên soạn, tôn thờ Hoàng tộc nhà Chu làm chính thống, lấy sự tích Ân Thương làm tham khảo, mở rộng và phát triển truyền thống các thời đại từ đời Hạ, Thương, Chu, lời văn súc tích uyên thâm.

Cuối cùng Khổng Tử biên soạn xong “Lục Nghệ” là Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân thu. Khổng Tử dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc làm tài liệu giảng dạy học trò, đến học có ước chừng tới 3000 đệ tử, trong đó hiền nhân quân tử có 72 người. Chưa kể nhiều học trò chưa chính thức nhập tịch ở khắp nơi nữa.

Lúc Khổng Tử lâm bệnh, Tử Cống đến thăm viếng thầy. Khổng Tử thở dài, nói ngay: “Thái Sơn sắp đổ rồi, rường cột sắp gãy rồi, người trí tuệ sắp chết rồi!”. Nước mắt chảy dài, nói với Tử Cống: “Thiên hạ từ lâu đã mất đi đạo lý thông thường, không có ai tiếp nhận chủ trương của ta cả …”. 7 ngày sau Khổng Tử qua đời, hưởng thọ 73 tuổi, nhằm vào ngày Kỷ Sửu, tháng 4 năm 479 trước công nguyên.

Sách “Luận Ngữ” chính là do đệ tử của Khổng Tử căn cứ theo lời nói và việc làm của ông mà biên soạn thành. Đó là tư liệu trực tiếp nhất để cho chúng ta hôm nay hiểu biết về Khổng Tử. Khổng Tử cho người ta biết thế nào là “Trung dung”, vì đời sau mà đặt định ra quy phạm làm người theo “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Ảnh hưởng của ông đối với văn hóa Trung Quốc và cả vùng Đông Nam Á là rất to lớn.

Tư Mã Thiên nói: “Trong kinh “Thi” có câu nói như thế này: “Cái giống như núi cao khiến người ta chiêm ngưỡng, cái giống như đại Đạo khiến người ta tuân theo”. Từ xưa tới nay trong thiên hạ, Quân Vương và người tài đức thì có cũng nhiều. Họ khi đang còn sống đều vinh hoa quý hiển, nhưng chết đi rồi thì chẳng còn lại chút gì. Khổng Tử là một người bình dân, nhưng những người đọc sách đều tôn ông làm thầy. Từ Thiên tử, Vương Hầu đến nhân dân cả nước, những ai nói về “Lục Nghệ” thì đều xem học thuyết ấy của Khổng Tử là chuẩn tắc cao nhất. Có thể nói Khổng Tử là một Thánh nhân chí cao vô thượng”.

Tư Mã Thiên đã đánh giá rất đúng.

Thích Ca Mâu Ni

Trong lúc Đại Đạo Trung Quốc đang được lưu truyền tại mảnh đất Thần Châu, thì đồng thời tại Ấn Độ – cũng là quốc gia có nền văn minh lâu đời tại phương Đông – Phật Pháp mà Thích Ca Mâu Ni đã được truyền rộng.

Thích Ca Mâu Ni giáng sinh tại Kapilavastu, một đất nước tại vùng đất Ấn Độ xưa kia. Mẹ của ông là Hoàng hậu Mayadevi sinh hạ ông tại Lumbini (nằm ở Nam Nepal ngày nay) trên đường trở về nhà mẹ đẻ của bà. Người ta đồn rằng khi Thích Ca Mâu Ni giáng sinh, liền bước đi 7 bước, mỗi bước đi sinh ra một đóa hoa sen. Một tay chỉ lên trời, một tay trỏ xuống đất ông nói “Phía dưới Thiên Đàng và bên trên mặt đất, chỉ có ta là nhất”. Đây thực ra là chuyện đơm đặt của hậu thế. Trong vũ trụ này, có vô số Thần Phật của vô số Thiên Đàng, có ai dám kiêu căng khoác lác như thế không? Thích Ca Mâu Ni không bao giờ làm như vậy. Câu chuyện này thực sự chỉ là kết quả của những tình cảm tôn giáo cuồng tín của người đời sau mà thôi. Một vị Phật chỉ muốn người đời tu luyện theo lời dạy bảo của họ, chứ không muốn người ta dựng chuyện lên để mà tâng bốc.

Thích Ca Mâu Ni từ thuở nhỏ đã có tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh và luôn đi tìm ý nghĩa chân chính của đời người. Năm ông 19 tuổi, Thích Ca Mâu Ni rời bỏ ngai vàng, rời khỏi hoàng cung đi tu luyện. Ấn Độ thời bấy giờ có đủ loại tông phái và đường lối tu luyện khác nhau. Đầu tiên Thích Ca Mâu Ni tu theo pháp “Vô tưởng định” (Samadi) 3 năm và cuối cùng đã đạt tới cảnh giới này. Nhưng ông cho rằng đó không phải là Đạo, không phải là chân lý tột cùng, cho nên ông từ bỏ nó. Sau đó ông lại tu theo “Phi tưởng – phi phi tưởng định” 3 năm, thành công rồi nhưng ông thấy rằng đó cũng không phải là Đạo, nên cũng từ bỏ. 2 lần, Thích Ca Mâu Ni từ bỏ những điều mà ông biết chắc ấy không phải là Đạo. Ông không thể tìm thấy một vị chân sư nào cả, cho nên ông tự mình tới một ngọn núi băng giá phủ đầy tuyết trắng để tu hành khổ hạnh. Mỗi ngày ông chỉ ăn một ít hoa quả khô và chịu đói đến mức toàn thân khô héo. Ông khổ tu như vậy để tìm chân lý. Nhưng 6 năm trôi qua, ông nhận ra rằng khổ hạnh cũng không phải là Đạo, bèn xuống núi.

Thích Ca Mâu Ni đi tới bờ sông Hằng. Vì quá gầy yếu xanh xao, ông ngã xuống hôn mê bất tỉnh. Một người phụ nữ làm nghề chăn dê tình cờ đi qua, và cho ông một ít váng sữa. Thích Ca Mâu Ni ăn và phục hồi sức lực. Nhưng ông không có cách nào tìm thấy một vị chân sư có thể hướng dẫn cho mình, nên ông vượt qua sông Hằng, tới dưới một tán cây Bồ Đề, ngồi xuống và thiền định. Ông thề rằng nếu không trở thành một bậc “Vô thượng chính đẳng chính giác” thì ông thà chết tại nơi này.

Thích Ca Mâu Ni thiền định dưới tán cây Bồ Đề ấy trong 49 ngày. Buổi sáng ngày thứ 49, ông ngẩng đầu lên nhìn trời, và nhìn thấy được những ngôi sao sáng trên bầu trời. Cũng trong một cái nhìn ấy, thần thông và các quyền năng siêu phàm của ông lập tức nổ tung, và tư tưởng của ông khai mở. Ông lập tức nhớ lại mọi điều mà ông đã từng tu luyện trước kia, hiểu được kiếp sống hiện tại và nhiều kiếp trước của mình, và tất cả những điều khác nữa mà ông cần phải biết sau khi khai ngộ. Bởi vì năng lượng phóng ra trong quá trình khai công khai ngộ, một chấn động lớn xuất hiện trong phạm vi địa lý rộng lớn xung quanh ông. Người ta cho rằng ấy là một trận động đất nhẹ, núi đổ hay sóng thần, nhưng thực ra đó là do sự khai ngộ của Thích Ca Mâu Ni. Đương nhiên năng lượng của Phật là từ bi và không làm hại ai cả. Sau 12 năm tu luyện vô cùng gian khổ, Thích Ca Mâu Ni rốt cuộc đã ngộ Đạo. Sau đó, Phật Thích Ca Mâu Ni liền bắt đầu cuộc đời truyền Pháp 49 năm của mình.

Đặc điểm của pháp môn tu luyện mà Thích Ca Mâu Ni truyền dạy là Giới, Định, Huệ. Giới chính là cấm tất cả dục vọng và tâm cố chấp, định là nói về người nhập định tu hành, huệ là nói về người khai ngộ khai huệ. Đại tạng kinh có mấy vạn quyển, đều không lìa xa 3 chữ này. Đương nhiên, hình thức biểu hiện của nó rất phong phú phức tạp, nhưng thực chất chính là 3 chữ này.

“Mọi người đều biết rằng Bà La Môn giáo là Thích Ca Mâu Ni phản đối nhiều nhất. Ông cho rằng [nó] là một tà giáo, nó cùng với Phật Giáo của Thích Ca Mâu Ni là đối lập [với nhau] nhất. Kỳ thực tôi cho chư vị biết rằng: Thích Ca Mâu Ni chống đối Bà La Môn giáo chứ không phải chống đối Thần của Bà La Môn giáo. Thần mà Bà La Môn giáo tin theo vào thời kỳ nguyên thủy nhất đều là Phật, [họ] tin theo chính là các vị Phật trước thời Thích Ca Mâu Ni. Nhưng qua thời gian quá lâu dài, con người không còn tin Phật nữa, khiến cho tôn giáo này trở thành tà giáo, thậm chí [họ] sát sinh để tế lễ Phật. Cuối cùng, Thần mà họ tin tưởng và tôn thờ kia cũng không còn là hình tượng Phật nữa, [họ] bắt đầu tin theo và thờ phụng yêu ma quỷ quái có hình tượng quái vật. Con người đã làm cho tôn giáo trở thành tà”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston).

Lời nói và việc làm của mọi người đều trái với những điều mà các vị Phật thời tiền sử dạy bảo. Như vậy, Bà La Môn giáo tiến vào thời Mạt pháp. Trong thời gian ấy, Phật Pháp của Thích Ca Mâu Ni bắt đầu truyền rộng ra tại Ấn Độ. Bởi Pháp mà Thích Ca Mâu Ni truyền chính là chính Pháp, trong quá trình truyền Pháp, Thích Ca Mâu Ni không ngừng bác bỏ các giáo lý của các tôn giáo khác, cho nên không ngừng có những người rời bỏ ngoại đạo đến quy y Phật giáo. Như một trong những đồ đệ của ông, người mà sau này trở thành Phật Xá Lợi ban đầu là người của Bà La Môn giáo. Ông cùng Thích Ca Mâu Ni tranh luận, biết Phật Thích Ca Mâu Ni đang truyền chính pháp, bèn rời bỏ Bà La Môn giáo và trở thành người đệ tử có trí tuệ cao nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni. Như vậy, Phật Pháp mà Thích Ca Mâu Ni truyền càng lúc càng cường thịnh, còn các tôn giáo kia càng lúc càng suy tàn. Phật Pháp dần dần bị các tôn giáo kia kỳ thị và phản đối. Trong thời gian mâu thuẫn tôn giáo lên đến đỉnh điểm, xuất hiện sự kiện các đệ tử Phật giáo bị sát hại một cách công khai. Người đệ tử có Thần thông nhất là Mục Kiền Liên bị những kẻ ngoại đạo lăn đá từ trên núi xuống đè chết, trở thành đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca Mâu Ni chết vì lý tưởng của Phật giáo. Ngoại đạo còn bắt bớ đệ tử của Phật Thích Ca, ném họ vào hầm lửa, hoặc trói vào cột rồi dùng cung tên bắn chết. Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni không còn tại thế, 500 đệ tử của Phật từng bị người ta chém đầu. Sự kiện bức hại ấy khiến người ta vô cùng đau xót!

Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni không còn trên thế gian, các tôn giáo khác bắt đầu hưng thịnh trở lại. Phật giáo ở Ấn Độ trải qua nhiều lần cải tổ, cuối cùng đã kết hợp với những thứ của Bà La Môn giáo, biến thành một loại tôn giáo mới là Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo không còn tin Thích Ca Mâu Ni, cũng không thờ phụng một vị Phật nào cả. Do vậy, Phật giáo sinh ra tại Ấn Độ, cuối cùng lại dần dần bị tiêu biến ở Ấn Độ. Song tại Đông Nam Á, tại Trung Quốc, Phật Pháp đã truyền rộng khắp nơi, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của những quốc gia này.

Tài liệu Tham khảo
1. Giảng Pháp tại Pháp hội châu Âu
2. Chuyển Pháp Luân
3. Giảng pháp tại Pháp hội Houston


--------------------------------------------------------------------------------
Bản tiếng Hán: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/5/7/37440.html
Bản tiếng Anh: http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4004
Đăng ngày: 18-03-2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

15 tháng 3 2010

Văn hóa Thần truyền: Vương Phổ, một điển hình về tính liêm khiết và Đức độ

Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 11-9-2007] Thế nào là Liêm khiết ? Ấy là không tham lam, không tùy tiện nhận của phi nghĩa, dựng lập sự nghiệp bằng con đường trong sạch. Vì lòng tham mà lấy của tiền phi nghĩa là làm trái với quy phạm đạo đức của con người, cũng là hành vi của kẻ tiểu nhân. Việc làm đó chẳng những là tạo Nghiệp và làm tổn Đức bản thân, mà còn bị Thần linh và người đời khinh rẻ.

Vương Phổ là người Quế Lâm, trong thời kỳ Hồng Vũ triều Minh ông nhậm chức quan Tham chính của Quảng Đông. Bởi vì ông liêm khiết và Đức độ nên được người ta ca ngợi.

Em trai của Vương Phổ một lần đi thăm người thân, đi cùng chuyến thuyền với một người thuộc hạ của Vương Phổ. Người thuộc hạ biếu em trai Vương Phổ một chiếc áo dài. Sau khi Vương Phổ biết chuyện, liền bảo người em trai đem trả chiếc áo và nói: “Một bộ quần áo mặc dù chẳng đáng là bao, nhưng không thể không cẩn thận, bởi vì đó chính là điểm bắt đầu của những hành vi làm ô uế danh dự và tự sỉ nhục bản thân mình”.

Vương Phổ chuyên cần tu dưỡng và làm rất nhiều điều ích nước lợi dân. Mặc dù làm quan đã nhiều năm nhưng trong rương không có quần áo dư thừa, trong bếp cũng chưa từng có những thứ sơn hào mỹ vị bao giờ.

Sau này Vương Phổ bị người ta vu cáo hãm hại và bị giam vào ngục. Có người thuộc hạ biếu tặng ông tiền của, nhưng ông một mực không chịu nhận mà nói: “Tôi làm sao có thể vì hoạn nạn mà thay đổi chí hướng được!”

Về sau khi đã được minh oan, Vương Phổ trở về lại quê nhà an hưởng tuổi già.

Vương Phổ giữ nghiêm phẩm hạnh, không vì chuyện nhỏ mà làm ô nhiễm sự trong sạch của bản thân. Ông cả đời làm người chính nhân quân tử, liêm khiết cao thượng hiếm có trên đời, khiến người ta kính phục.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/9/11/162484.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/10/14/90477.html
Đăng ngày 13-3-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Văn hóa Thần truyền: Thanh cao chính trực, chí công vô tư

Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 19-8-2007] Dương Phổ là người Hồ Quảng, Thạch Thủ (nay thuộc Hồ Bắc) dưới triều Minh. Ông từng nhậm chức Hàn lâm biên soạn, sau làm tới chức Tể tướng. Ông nổi tiếng vì phẩm cách thanh cao, chất phác chính trực, được người đời sau ca tụng là vị Thừa tướng tài đức một đời.

Vào mùa đông năm Vĩnh Nhạc thứ bảy, Dương Phổ nhậm chức Thái tử tẩy mã kiêm chức quan Tổng giám khảo kỳ thi Hội, phụ trách quản lý việc thi cử và nhậm chức của sỹ tử trong cả nước. Tại quê nhà Thạch Thủ, Cao Lăng, hai người em trai của ông tên là Dương Hạo và Dương Lâm thấy anh trai nắm quyền cao, cảm thấy công danh của mình có tương lai đầy hứa hẹn. Các bạn học của họ đều tới nịnh bợ tâng bốc họ, ngay cả con trai của quan Huyện lệnh và các quan lại khác cũng tới kết thân và nhờ vả. Họ bỏ tiền đưa hai người tới kinh thành, muốn nhờ hỏi thăm xem tình hình đề thi năm nay sẽ thế nào.

Hai người tới nhà anh trai, bắt đầu nói về chuyện thi cử năm nay, rồi xin anh trai tiết lộ một chút bí mật đề thi cho họ. Dương Phổ nghe xong bừng bừng giận dữ, quở trách họ tâm tư không chính trực, giảng rõ rằng những kẻ không có thực học mà ra làm quan thì chỉ có hại nước hại dân, huống hồ việc tiết lộ đề thi là phạm tội phải tru di toàn tộc, không lẽ các em không muốn sống nữa hay sao! hai người xấu hổ vô cùng, Dương Phổ bèn viết lại câu thơ “Cao Lăng thanh khí vạn cổ vân” trao cho họ mang về, chiếu theo đó mà cảnh tỉnh bản thân và trui rèn tâm chí.

Sau này bởi vì chuyện sai sứ đến nghênh đón Hoàng đế bị chậm trễ, lại bị Hán Vương hãm hại nên Thái tử bị giam vào ngục 10 năm. Dương Phổ là quan trực thuộc Thái tử quản lý, cho nên cũng bị liên đới vào tù. Ông tuy thân nằm trong lao ngục nhưng tâm tư vẫn bao trùm thiên hạ, hàng ngày trong nhà lao đọc sách mãi không ngừng.

Sau khi Hoàng đế Nhân Tông lên ngôi, Dương Phổ được tha, được giao cho chủ trì thi công lầu Hoằng Văn. Hoàng đế Tuyên Tông lên ngôi, Dương Phổ được thăng chức làm Thiếu bảo, Đại học sỹ điện Vũ Anh, là quan nhất phẩm.

Hai người em trai ảnh hưởng bởi chuyện anh trai bị giam oan 10 năm trong ngục mà mất sớm. Con trai lớn của hai người đều đã quá tuổi lập thân, nhiều lần thi Hương không đậu, hai người bèn lên kinh đô tìm Dương Phổ. Dương Phổ nhớ tới hoàn cảnh cha chúng chết sớm, gia cảnh nghèo khổ không cầm được nước mắt. Hai người cầu bác trai nói đôi lời với Bộ lại, để cho họ ban đầu làm chức quan sáu phẩm hay bảy phẩm gì đó cũng được. Dương Phổ nghe xong lắc đầu, nói rằng triều đình chỉ có thể thông qua khoa cử mà chọn hiền tài. Đặc biệt lúc nhậm chức cần phải được Hoàng thượng phê chuẩn, nếu thông qua quan hệ cá nhân mà sắp xếp thì chính là phạm pháp, ông không thể làm như thế được. Ngay cả Dương Đán cũng không phải là ngoại lệ. (Dương Phổ có năm người con trai, trong đó bốn người chết yểu, chỉ có người con thứ hai tên là Dương Đán còn sống)

Hai người vô cùng thất vọng, bắt đầu khóc lớn, nói rằng con trai và người thân của các quan lại khác đều được tiến cử làm quan, nhưng Dương Phổ ân cần tha thiết dạy bảo họ: muốn người khác đi theo đường Chính thì trước tiên mình phải làm gương, cần phải chọn những người tài giỏi làm quan. Ông còn nói người làm quan cần phải luôn luôn lo nghĩ cho dân, còn nếu không sẽ có hại cho quốc gia và cũng tự hại mình, làm tổn danh tổn Đức. Các cháu không nên suy nghĩ như thế nữa. Nói xong bèn viết tặng một câu đối “Công quyền khởi khả vi tư hành”, kèm theo 1000 lạng bạc cho họ trở về nhà phụng dưỡng mẹ và yên tâm làm ruộng.

Có một ngày, con trai Dương Đán của ông từ quê nhà tới kinh thành thăm cha. Ông hỏi con trai: “Con từ quê tới kinh thành, trên đường có nghe danh viên quan huyện nào là thông thái sáng suốt hay không?”. Người con trai bực tức nói: “Con đang muốn tố cáo, Huyện lệnh huyện Giang Lăng tên gọi Phạm Lý là không hiền minh nhất. Con đường đường là con trai của Tể tướng, các quan Huyện lệnh khác đối với con đều hết sức trọng vọng, chỉ có ông ta là đối với con tùy tiện thất lễ …”. Nghe con trai nói xong, Dương Phổ nghĩ Huyện lệnh huyện Giang Lăng có thể là một vị quan thanh liêm chính trực không phô trương lãng phí, không nịnh bợ nơi quyền quý. Ông nghiêm khắc phê bình con: “Huyện lệnh huyện Giang Lăng xem con trai Tể tướng giống như con trai của dân thường, đó chính là chỗ thông thái và sáng suốt của ông ấy. Con làm sao có thể trách ông ta được? Cha thấy vấn đề là tâm tư của con không chính. Sau này không được suy nghĩ như thế”.

Dương Phổ lặng lẽ ghi nhớ tên của Phạm Lý, về sau hỏi thăm mới biết Phạm Lý là con người cực kỳ thanh liêm, rất được dân chúng yêu quý. Ông đích thân đề bạt Phạm Lý làm quan Tri phủ Đức Châu. Không lâu sau lại để cho ông ta làm quan Tả bố chính sử Quý Châu.

Thái Hoàng Thái hậu nhớ tới chuyện Dương Phổ vì bị liên lụy tiên đế mà phải ngồi tù, gia đình bị hại, chỉ còn một con trai thứ tên là Dương Đán còn sống, bèn hạ chỉ ban cho Dương Đán ban đầu nhậm một chức quan sáu phẩm là Đại lý tự Thiếu khanh, đợi tương lai sẽ cất nhắc. Dương Đán nhậm chức rồi thì vui mừng không tự chủ được, thường nói toạc ra thân phận con cháu Công khanh ngay giữa chỗ đông người. Dân chúng nghe vậy tránh đường vái chào. Dương Phổ biết chuyện thì nghiêm khắc dạy bảo, còn chỉ rõ ra những quy tắc làm quan, chủ yếu là không được hà hiếp nhân dân, cần phải xem trăm họ như cha mẹ. Ông viết câu đối “Hảo quan tu vi nhụ tử ngưu”, lệnh cho con treo trong phòng ngủ để tự kiểm điểm lời nói và việc làm bản thân. Dương Đán nhờ sự giám sát dạy bảo của cha bắt đầu siêng năng trong công tác, thận trọng từ lời nói đến việc làm, được mọi người khen ngợi.

Lúc này trong triều đấu đá tranh quyền kịch liệt. Bởi vì vua Anh Tông còn nhỏ tuổi, bọn hoạn quan chuyên quyền, kéo bè kết đảng. Dương Phổ làm Tể tướng, vì để bảo toàn đại cục nên dẫn đầu làm gương tinh giản biên chế, quyết định đưa Dương Đán về quê làm ruộng. Ông một lòng đại nghĩa, vì dân vì nước mà khuyên nhủ con trai, viết lại mấy câu thơ và câu đối “Lương dân cẩn ký gia phong thuần” để dạy bảo và động viên con.

Năm Chính Thống thứ sáu, Dương Phổ về quê viếng mộ, thấy trong gian nhà chính treo đủ bốn câu đối của mình: “Cao lăng thanh khí vạn cổ vân, công quyền khởi khả vi tư hành, hảo quan tu vi nhụ tử ngưu, lương dân cẩn ký gia phong thuần”. Ông làm quan 50 năm, quyền cao chức trọng nhưng rất nghiêm khắc với bản thân, là một tấm gương về đạo làm quan và dùng người tài đức, vừa là gương mẫu trong việc tề gia và dạy bảo con cái.

Ngày nay rất nhiều người làm quan chỉ vì tư lợi bản thân mà chọn toàn người thân thích, kéo bè kết phái, đố kỵ với người tài, vu cáo hãm hại người tốt, không những là trái với Thiên lý mà còn làm mất lòng dân. Những người chân chính có đạo đức cao thượng và tiết tháo, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể xem nhẹ bản thân, lấy đất nước và nhân dân làm căn bản trách nhiệm của mình, lúc nào cũng có thể lấy Đức phục nhân.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/8/19/160160.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/9/25/89892.html
Đăng ngày 13-3-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.