19 tháng 11 2009

Ngộ thức trong đời: Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện

Tác giả: Quán Minh

[Chanhkien.org] Trước đây, tôi có quen một vài người có khả năng tranh biện và thường thắng trong các cuộc tranh biện. Lúc đó, tôi nghĩ đó là tài năng của họ. Tôi không suy nghĩ một cách cẩn thận về sự quan hệ giữa tranh biện và vấn đề phân biệt thiện ác. Sau này tôi được biết một số người tu luyện, những người nhẫn nhịn không tranh biện, họ có một cảnh giới tinh thần khác biệt. Một ngày, khi tôi đọc xong quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, mà trong sách nói: “Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh” (“Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh”). Đột nhiên tôi đại ngộ. Nói chuyện khéo không phải là tài năng chân chính. Chịu phỉ báng nhưng không tranh biện là cảnh giới cao thượng nhất của đời sống.

“Người thiện thì không biện giải, người nào phải biện giải cho mình là người “không thiện“” là từ chương 81 của Đạo Đức Kinh. Chương 81 nói: “Tín ngôn bất mĩ,mĩ ngôn bất tín; thiện giả bất biện, biện giả bất thiện; tri giả bất bác, bác giả bất tri” (“Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mĩ thì không chân thật. Người thiện thì không cần phải biện giải [vì hành vi tốt rồi], người nào phải biện giải cho mình là người “không thiện”. Người biết thì không nói, người nói là người không biết.”). Đức độ thường đặt giá trị vào hành động, không chỉ lời nói suông. Không cần thiết phải tranh luận chân lý hằng ngày. Những cuộc tranh luận suốt ngày chưa chắc đã đưa đến chân lý. Hết thảy chân lý và chính đạo (đạo lý chân chính) chỉ có thể hiểu được bằng chuyên tâm thực tu và lĩnh ngộ chân chính.

Khổng Tử giảng trong “Luận ngữ – Lí Nhân”: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (“Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh, sáng suốt (*)”). Trong “Luận ngữ – Học Nhi”, ông giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (“Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no; sống nhưng không màng thoải mái; nhanh nhẹn, minh mẫn nhưng rất thận trọng về lời nói của họ”). Từ điều này, con người nên nói ít nhưng làm nhiều. Cả Khổng Tử và Lão Tử đều đồng ý về vấn đề này. Vì thế bất cứ điều gì mà chúng ta làm, có thể là tu luyện hoặc trong sinh hoạt xã hội, chúng ta chỉ làm một cách đứng đắn và thực tế mà không khoe khoang khoác lác.

Nếu chúng ta suy nghĩ điều đó một cách cẩn thận, một người tốt với nhiều khả năng không cần phải tranh biện với người khác. Họ sẽ không chỉ dùng lời để chứng minh họ đúng. Thậm chí họ bị phỉ báng trước mặt hay công kích cá nhân, họ có thể chứng minh họ vô tội và thanh bạch bằng hành động của họ. Những người có thể nhẫn nhịn không tranh biện thường là những người làm việc một cách lặng lẽ, họ tất mang tâm ‘dữ thế vô tranh’ (không tranh với đời). Ngược lại, những ai tranh biện hằng ngày thật ra không phải là những người có khả năng chân chính, mặc dầu khi họ tranh biện họ luôn muốn thể hiện năng lực của họ. Tuy vậy, người thiện lương chân chính không cần phải có ‘hoa ngôn xảo ngữ’ (nói lời hoa mỹ và khéo léo) để được người khác tán dương. Nói chuyện tầm phào mà không thật sự hành động thì tương đương với không thành việc gì.

Điều đầu tiên phải chú ý trong tu khẩu là tránh không nói những điều to tát và nói khoác lác. Không chỉ trích người khác, lấy thiện đãi nhân, gặp ma nạn thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều bậc chính nhân quân tử làm.

Chú thích:

Từ mẫn (敏) ngoài một nghĩa ‘thông minh, thông tuệ, sáng suốt’ , còn những nghĩa khác, như ‘nhanh nhẹn’.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2009/5/25/59737.html

http://pureinsight.org/node/5810

Bài được đăng trên tuần báo Chanh Kiến,

16 tháng 11 2009

Chịu oan khuất mà không tranh cãi, người có Đức ắt Trời sẽ giúp

Bài viết của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 05-04-2007] Trác Mậu, tự là Tử Khang, sống vào thời Tây Hán (207 TCN-9 SCN), là người huyện Uyển, Nam Dương (nay là một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam). Từ thuở nhỏ ông đã học tập thi, lễ và lịch pháp, là người có học thức uyên bác, hơn nữa lại nhân ái khiêm cung, mọi người đều thích giao thiệp với ông.

Trác Mậu ban đầu nhậm một chức quan trong phủ Thừa Tướng. Một ngày Trác Mậu ra ngoài, có người dừng xe ngựa của ông lại, bảo rằng con ngựa ông đang dùng là của ông ta. Trác Mậu bèn hỏi người này: “Ông mất ngựa đã bao lâu rồi?”. Người nọ trả lời: “Một tháng rồi”. Trác Mậu đã dùng con ngựa này khá nhiều năm, biết rằng vị kia chắc chắn nhận sai rồi, dẫu vậy ông vẫn không nói gì mà đưa con ngựa cho người nọ, tự mình kéo xe trở về, quay đầu lại nói: “Nếu như đó không phải là ngựa của ông, thì xin ông đưa nó về phủ Thừa Tướng trả lại cho tôi”.

Một thời gian sau, người nọ tìm thấy con ngựa của mình, mới biết là đã nhận lầm, vì vậy đến phủ Thừa Tướng trả lại ngựa cho Trác Mậu, khấu đầu tạ lỗi. Trác Mậu chẳng hề để bụng chuyện ấy.

Sử sách ghi rằng Trác Mậu cả đời không thích tranh chấp với người khác. Đại đa số người thường xem lợi ích bản thân là trọng yếu, vậy mà Trác Mậu bị người ta hiểu lầm thì không hề cùng người ta tranh chấp. Ông không những chịu được oan khuất mà còn nhường những thứ của mình cho người ta, trong tâm vẫn bình tĩnh như thường. Chỉ những bậc Đại Đức có phẩm hạnh tu dưỡng cao thâm mới hành xử được như vậy.

Sau này, bởi Trác Mậu tài đức vẹn toàn nên được đề cử làm quan Thị Lang, nhậm chức Huyện lệnh huyện Mật. Ông làm quan rất mực trung thành, cẩn thận thành khẩn, yêu dân như con, coi trọng lễ giáo. Ông dùng Thiện mà giáo hóa trăm họ, miệng không bao giờ nói lời ác ngôn, thuộc hạ và bách tính đều yêu mến mà không nhẫn tâm lừa gạt ông. Chỉ trong vài năm, đời sống dân chúng trong huyện đều được bình an, nhân tâm hướng thiện.

Vào thời Hán Bình Đế (9 TCN – 5 SCN) bỗng nhiên phát sinh đại dịch châu chấu, tại Hà Nam có 20 huyện bị tai họa nghiêm trọng, chỉ có huyện Mật là không bị giặc châu chấu tiến vào địa giới. Quan Đốc Bưu (chuyên giám sát các quan viên cấp huyện) bẩm báo sự kiện trên với quan Thái Thú. Thái Thú tuyệt nhiên không tin, đích thân đến huyện Mật kiểm tra, cuối cùng không thể không tin, cho nên đối với tài đức của Trác Mậu thì cực kỳ bội phục.

Sở dĩ huyện Mật có thể bình yên vô sự trước đại dịch châu chấu chính là nhờ ở tài đức vẹn toàn của Trác huyện lệnh. Ông dùng Thiện hành Đức để giáo hóa dân chúng, khiến cả vùng đất ấy lòng người đều hướng thiện, đạo đức nâng cao trở lại. Điều đó chính hợp với ý Trời, nên được Trời ban phúc và bảo vệ, tránh khỏi thiên tai nhân họa.

Trác Mậu được thăng quan và nhậm chức Kinh Bộ Thừa, đến lúc rời huyện Mật, già trẻ lớn bé trong huyện đều khóc mà tiễn ông đi. Đến khi Vương Mãng đoạt ngôi, cục diện chính trị hắc ám hỗn loạn, Trác Mậu bèn cáo bệnh từ quan trở về lại cố hương, không muốn làm quan nữa. Trác Mậu làm quan không vì công danh lợi lộc, gặp lúc không thể phát huy Đức chính, không thể tạo phúc cho nước cho dân, thì liền từ quan quy ẩn.

Khi Quang Vũ Hoàng đế lên ngôi, vốn từ lâu đã nghe danh Trác Mậu học vấn cùng đức hạnh hơn người, cho nên ngay lập tức phái người đi triệu mời Trác Mậu. Hoàng đế cũng hạ chiếu thư ca ngợi ông hết lời, cho rằng ông có thể làm được những việc mà người khác không ai làm nổi, và những hiền tài trong thiên hạ đều xứng đáng với những phần thưởng to lớn nhất. Vì thế Quang Vũ Hoàng đế chỉ định Trác Mậu làm Thái phó, phong tước Bao Đức Hầu, thực ấp 2.000 hộ, chu cấp nhiều khí vật tiền tài, còn đề bạt con trai của Trác Mậu mà trao cho nhiều trọng trách.
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2007/4/5/152078.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/html/articles/2007/4/19/84708.html
Đăng ngày 16-11-2009; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

bài được đăng trên tuần báo Minh Huệ

11 tháng 11 2009

Người chính trực sẽ có người theo, kẻ hại người là tự hại mình

Bài viết của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 23-3-2007] Lý Nghiễm là một võ tướng dưới triều nhà Hán, là người Thành Kỷ, quận Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Cam Túc). Lý tướng quân võ nghệ và tài trí đều xuất chúng, cả đời cùng quân Hung Nô giao chiến tất cả hơn 70 lần, lập được vô số chiến công. Quân Hung Nô vì vậy gọi ông là “Hán triều phi Tướng quân” (vị tướng biết bay của nhà Hán), không dám xâm phạm Trung Nguyên nữa.

Từ khi còn rất trẻ, Lý Nghiễm đã cầm quân đánh trận. Ông làm tướng suốt 40 năm với lương bổng tương đương 2.400 thạch. Ông cả đời rất thanh liêm, khi được thưởng luôn chia phần cho thuộc hạ, ăn uống cũng cùng với quân lính, trong nhà không có của cải gì dư giả, chưa bao giờ đề cập đến chuyện gia sản. Lý Nghiễm không thích nói chuyện tán gẫu, giao thiệp chuyện trò nếu không phải lúc trên mặt đất diễn họa quân trận thì là trong khi tỉ thí cung pháp. Trong quá trình hành quân tác chiến, có khi thiếu lương thực và nước uống, nếu phát hiện có nước, binh sỹ chưa uống thì ông không uống, binh sỹ chưa ăn thì ông không ăn. Bởi ông đối xử luôn khoan dung không hà khắc, nên quân sĩ luôn sẵn lòng nguyện ý đi theo và dốc sức vì ông.

Quan Thái Sử Công lừng danh Tư Mã Thiên từng dùng một câu nói trong “Tả truyện” để đánh giá ông: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, hữu lệnh bất tòng”. Đại ý là: nếu chính mình có hành vi đoan chính, thì không cần hạ lệnh mọi người đều sẽ tuân theo, còn nếu bản thân hành vi không chính, thì dẫu ra lệnh cũng chẳng ai nghe.

Lý Nghiễm cùng với người em họ là Lý Thái, cả hai cùng làm quan trong triều. Lý Thái về nhân phẩm, tài năng danh vọng hay công lao đều thua kém anh, nhưng Lý Thái vẫn làm quan cao hơn. Lý Thái vào thời vua Hiếu Văn Đế lương bổng chỉ 2.000 thạch, đến thời Hiếu Vũ Đế thì nhậm chức Thừa tướng nước Đại, sau được phong làm Nhạc An Hầu, rồi đến năm Nguyên Thú thứ 2 được nhậm chức Thừa Tướng, địa vị thuộc hàng Tam Công. Còn có nhiều thủ hạ vốn là quan quân và binh lính dưới trướng Lý Nghiễm về sau đều được phong hầu, nhưng Lý Nghiễm tuyệt nhiên không được tước vị hay phong ấp gì cả, quan chức cả đời không quá hàng Cửu Khanh.

Có những vị thuật sỹ hoặc những người tu luyện thông qua quan sát thiên tượng biến hóa có thể dự đoán được cát hung họa phúc của thế gian. Lý Nghiễm biết một người như thế, tên là Vương Sóc, bèn một ngày xin Vương Sóc giải đáp những nghi vấn trong lòng. Ông hỏi: “Thực sự tương lai tôi sẽ không bao giờ được phong hầu sao? Chính là mệnh của tôi đã định như vậy sao?”. Vương Sóc trả lời: “Tướng quân thử nghĩ lại xem, chẳng lẽ ông chưa từng làm việc gì đáng hối hận ư?”. Lý Nghiễm nói: “Tôi từng nhậm chức Thái thú Lũng Tây, một lần người Khương làm phản, tôi dẫn dụ họ đầu hàng. Có 800 người đã đầu hàng. Nhưng kêu gọi đầu hàng là thủ đoạn tôi lừa họ, ngay trong hôm ấy đã xử tử tất cả. Từ xưa đến nay đó là sự việc mà tôi hối hận nhất”. Vương Sóc nói: “Không có tội gì lớn cho bằng tội giết hại kẻ đã đầu hàng, đó chính là nguyên nhân tại sao ông không bao giờ được phong hầu”.

Đáng tiếc Lý Nghiễm tướng quân một đời danh tiếng lẫy lừng, nhưng lại không hiểu được đạo lý “mệnh do Thiên định”, không biết rằng phúc lộc đời người đều phải hoán trả bằng Đức của chính mình. Bởi lỗi lầm lạm sát người vô tội, cho nên tổn hại rất nhiều Đức, lại còn phải gánh chịu một lượng nghiệp lực khổng lồ không biết lúc nào trả xong, thế thì nghĩ gì đến tước vị và phong ấp nữa đây? Chỉ mấy năm sau, trong lúc Lý Nghiễm đi theo Đại tướng quân Vệ Thanh xuất chiến thì bị lạc đường, cuối cùng trễ hẹn. Ông bị hoạch tội, cuối cùng phẫn uất mà tự sát trong nỗi thống khổ đau đớn tột cùng. Những đứa con trai của ông cũng trước sau lần lượt chết sớm. Cháu nội là Lý Lăng đánh nhau với quân Hung Nô, thua trận đầu hàng, bản thân và cả nhà gồm mẹ, vợ, con gái bị Triều đình tru di tam tộc, cả nhà họ Lý cuối cùng không còn một ai. Chuyện này không thể không nói là do báo ứng của việc Lý Nghiễm năm đó đã giết hại quá nhiều người vô tội.

Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/3/23/151394.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/html/articles/2007/4/16/84617.html
Đăng ngày 09-11-2009; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Bài viết được đăng trên tuần báo Minh Huệ (http://minhhue.net)

09 tháng 11 2009

Một Đạo sỹ nói về số mệnh

Tác giả: Lục Văn

[MINH HUỆ 28-7-2007] Vào triều Thanh, hiền giả Kỳ Hiểu Lam viết cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”, trong đó ông miêu tả về một vị Đạo sỹ tài ba đàm luận về số mệnh. Nội dung rất sâu sắc và thiết thực cho đến tận ngày nay. Dưới đây là nội dung chủ yếu của câu chuyện:

Minh Thịnh là huyện lệnh của huyện Hiền. Ngày nọ ông tiếp nhận một vụ án oan, muốn vì dân thường mà xử lại, nhưng lại sợ thượng cấp không vừa ý, vì thế mà rất lưỡng lự. Trong số thuộc hạ có người tên là Môn Đấu, người này có một người bạn có công năng đặc dị, vì vậy Minh Thịnh bèn phái Môn Đấu đi thỉnh mời vị kia để đoán trước sự tình và chỉ cho cách làm thế nào mới tốt.

Môn Đấu tuân lệnh đến thỉnh mời. Vị kia nghe xong trang trọng trả lời, “Minh Thịnh huyện lệnh thân như cha mẹ của chúng dân trong huyện, thì nên xem xét dân chúng có bị oan hay không, hơn là dò xét thượng cấp có vừa ý hay không. Chẳng lẽ ông ấy đã quên câu chuyện của Lý Vệ tiên sinh năm xưa?”

Môn Đấu trở về, bẩm báo lại đầu đuôi mọi sự. Minh Thịnh vừa nghe thì giật mình cả sợ, nhớ lại xưa kia Lý Vệ tiên sinh đã từng kể cho ông ta một câu chuyện. Nhưng người này là người như thế nào mà lại biết được chuyện ấy? Thật là thần kỳ. Nhưng dù sao đi nữa, Minh Thịnh giờ đã biết cần xử lý vụ việc ra sao.

Trước khi trở thành quan Tri phủ, một lần Lý Vệ lên thuyền vượt sông, thì gặp một vị Đạo nhân. Để tiết kiệm chút tiền mọn, một hành khách đã tranh cãi với chủ thuyền. Đạo sỹ thở dài, “Đối với một kẻ sắp bị chết đuối, ông ta vẫn còn tranh cãi chỉ vì một chuyện tầm thường, thật là không đáng!”.

Lý Vệ nghe xong, lúc đó không hiểu Đạo sỹ nói lời ấy là có ý gì. Một lát sau, đột nhiên một cơn gió mạnh bắt đầu thổi trên sông. Vị hành khách kia không giữ được thăng bằng, bị ngã xuống nước và chết đuối. Lý Vệ giờ mới biết vị Đạo sỹ có năng lực siêu phàm. Lúc đó, gió càng ngày càng mạnh, con thuyền chòng chành muốn lật. Đạo sỹ bước chân theo trận đồ, không ngừng niệm thần chú. Cơn cuồng phong rất nhanh chóng dừng lại, mọi người đều được cứu sống. Lý Vệ hướng về Đạo sỹ bái ba bái tạ ơn cứu mạng. Đạo sỹ bèn nói, “Vừa rồi người kia chết đuối, là vì mệnh của ông ta đến đó đã tận, ta không thể cứu được. Ông là quý nhân, hôm nay gặp họa nhưng được giải cứu, cũng là trong mệnh đã định như vậy, ta không thể không cứu. Cho nên ông không cần cám ơn ta”.

Lý Vệ nghe xong, thụ giáo được rất nhiều, lại bái tạ và nói: “Nghe ngài dạy bảo, từ đầu tới cuối tôi đều được lợi ích. Từ nay về sau cả đời tôi sẽ an phận mà thủ mệnh”.

Đạo sỹ nói, “Ông nói lời này không hoàn toàn là đúng. Một cá nhân đối với vinh nhục, thăng trầm, phú bần, đều không truy cầu thì người đó là đang an phận, tức là an mệnh, chính là thuận theo tự nhiên. Không an mệnh, tức là lừa đảo lẫn nhau, đấu đá với nhau, chuyện xấu gì cũng làm. Những việc như vậy thảy đều tạo nghiệp. Ví như Lý Lâm Phủ, Tần Cối, bọn họ nếu có thể thủ mệnh, thuận theo tự nhiên, thì sau đều được làm Tể Tướng, bởi số mệnh đã định như thế. Nhưng bọn họ năm đó chỉ vì tranh giành địa vị Tể Tướng, mà bài trừ những người trái ý, dùng hết tâm kế mà hãm hại trung lương, đâu biết rằng dù có cố hay không thì sau này đều được làm Tể Tướng, vì thế chỉ là tự mình gia tăng ác nghiệp mà thôi. Về phần quốc kế dân sinh lợi hay hại thế nào không thể nói mệnh; đối diện với trăm họ đang trong cảnh khốn cùng, oan ức, thì không thể để mặc như thế, nhưng cần tùy kỳ tự nhiên. Hết thảy những người phụ trách thì đều phải chịu trách nhiệm. Gia Cát Khổng Minh từng nói: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi, còn về việc thành hay bại, lợi hay không, thì thần không rõ, nhưng cũng có khả năng lường trước được!”. Chính là đạo lý ấy. Trời Đất dưỡng dục nên nhân tài, quốc gia thiết đặt vị trí cho các cấp quan lại, mục đích là để ích nước lợi dân. Thân là quan lại, nắm giữ quyền hành, mà bó tay ủy thác hết cho số mệnh, thì Trời Đất cần gì phải sinh ra những người tài như thế, quốc gia cần gì phải thiết lập quan lại như thế? Cao nhân thánh hiền cần phải hiểu được Mệnh, đó chính là đạo lý chân thực, hy vọng ông có thể lĩnh hội được toàn diện”.

Đạo sỹ nói xong xuống thuyền, nhanh chóng biến mất.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/7/28/159095.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/8/19/88731.html
Đăng ngày: 06-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Bài viết trên được đăng trên tuần báo Minh Huệ,

Văn hóa Thần truyền: Cao Đào “Cửu Đức”

[MINHHUỆ 31-5-2009] Khổng Tử nói: “Thuấn hữu thiên hạ, tuyển vu chúng, cử Cao Đào, bất nhân giả viễn hĩ” (Luận ngữ – Đằng Văn Công thượng, phần I).

Tạm dịch nghĩa: “Vua Thuấn có được thiên hạ, liền tuyển chọn hiền tài, chọn được Cao Đào, và những kẻ xấu đều lánh xa”. Theo sử sách, Cao Đào là quan trông coi hệ thống Tư pháp thời vua Thuấn, chấp pháp nghiêm cẩn mà công chính, thiên hạ không có ai bị xử oan. Ông chú trọng giáo hóa, chế tác lễ nhạc.

Cao Đào là người thành Cao Thành (nay là thành phố Lục An, tỉnh An Huy). Ông quản lý tư pháp, cùng với các vị vua Nghiêu, Thuấn, Vũ được xưng tụng là “Thượng cổ tứ Thánh” (“Bốn vị Thánh thời thượng cổ của Trung Quốc”). Cao Đào cho rằng Thiên Thượng tạo ra vạn vật vốn dĩ có chứa đựng đặc tính mỹ hảo kỳ diệu, vì vậy tuân theo thiên ý, bảo trì đức tính mỹ hảo ấy chính là trách nhiệm thần thánh của con người. Ông còn đề xuất “Thiên mệnh hữu đức”, “Thiên thảo hữu tội”, chuẩn mực “Thánh nhân cửu đức” ( nghĩa là “Trời trao sứ mạng cho người có đức”, “Trời diệt kẻ có tội”, chuẩn mực “9 Đức tính của Thánh nhân”).

Cao Đào đề xuất “Cửu Đức” như thế này: “Khoan nhi lật (khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính), nhu nhi lập (tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến), nguyện nhi cung (cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc), loạn nhi kính (có tài trị quốc nhưng cũng thận trọng), nhiễu nhi nghị (giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán), trực nhi ôn (hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa), giản nhi liêm (khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ), cương nhi tắc (cương trực nhưng cũng vẹn toàn), cường nhi nghĩa (kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa)”.

Cao Đào cũng đề xuất “Thận thân”, “Tri nhân”, “An dân” làm phương sách để trị quốc. “Thận thân” nghĩa là phải tự nghiêm khắc yêu cầu chính mình, lấy bản thân làm gương, khiến dân chúng kính phục noi theo. Bề trên lệnh cho kẻ dưới, mà bề trên bản thân lại bất chính, thì dân chúng không trọng Đạo lý, có Luật nhưng không phục tùng. “Tri nhân” nghĩa là chọn lấy người có đức có tài, biết mưu cầu lợi ích cho dân. “An dân” ý là: chỉ khi người dân có cuộc sống yên ổn mới thể hiện được Uy đức của bậc Đế vương.

(Theo Tuần báo Minh Huệ, ấn bản hải ngoại)
Bản tiếng Hán: http://minghui.ca/mh/articles/2009/5/31/201867.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2009/6/19/108406.html
Đăng ngày 04-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trọng tương lai để sát hơn với nguyên bản

Bài viết được đăng trên tuần bào Minh Huệ,

Văn hóa Thần truyền: Tích đức tạo phúc, hành ác tạo nghiệp

Bài viết của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 02-04-2007] Vào triều Minh, ở vùng Sở Trung có một thư sinh. Anh tâm địa chính trực, lại bẩm sinh có năng lực siêu nhiên là đi về qua lại giữa dương gian và địa phủ. Anh phát hiện rằng người trên thế gian nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” quả nhiên là hết sức đúng đắn. Một lần xuống địa phủ, anh thấy một quyển Ký lục ghi chép toàn bộ những việc thiện ác mà mỗi người trên thế gian đã làm, và phát hiện người trên nhân thế căn cứ theo nghiệp tích ít hay nhiều, thì hoặc là được phúc báo, hoặc là chịu trừng phạt. Anh ta cảm thấy thương xót cho những kẻ đang phải chịu hình phạt leo lên ngọn núi bằng đao kiếm, muốn cứu họ, nhưng họ đều không chịu để anh giúp, mà còn cố leo nhanh hơn. Hoàn toàn chẳng có cách nào cứu được họ.

“Tạo nghiệp” mà những cụ già Trung Quốc thường nói đến đối ứng với “tích đức”, cho biết một sự thật là làm việc tốt thì tích đức và sẽ được phúc báo, còn làm việc xấu thì tạo nghiệp và sẽ phải chịu trừng phạt. “Đức” cùng với “nghiệp” đều là vật chất tồn tại thật sự, những ai có công năng hoặc người trong giới tu luyện xưa nay đều có thể chứng thực được điều này.

Một ngày nọ, người thư sinh phát hiện trong quyển Ký lục ấy ghi lại việc thê tử của anh đã phạm tội trộm một con gà của hàng xóm, con gà ấy tính cả lông thì cân nặng 1 cân 12 lượng, anh ta bèn gấp trang sách đó lại để đánh dấu.

Khi trở lại dương gian, người thư sinh trách hỏi vợ, nhưng người vợ nhất nhất phủ định chuyện này. Người thư sinh vì vậy bèn kể lại hết thảy sự việc tại địa phủ mà anh đã thấy, lúc đó người vợ mới chịu nói thật. Nguyên là con gà hàng xóm đã chạy sang ăn lúa mà cô đang phơi nắng, trong lúc cô đuổi con gà lỡ tay đánh chết nó. Vì sợ hàng xóm sẽ trách mắng, cô bèn đem con gà giấu đi, không kể với ai.

Hai vợ chồng đồng thời giật mình kinh ngạc vì quyển sách địa phủ lại có ghi về cả việc ấy. Họ vội vàng tìm con gà đem cân, quả nhiên chính xác 1 cân 12 lượng, không sai chút nào. Hai vợ chồng nhanh chóng bồi thường và xin lỗi hàng xóm.

Vài ngày sau, người thư sinh lại đến địa phủ kiểm tra lại quyển sổ ấy. Anh thấy trang sách mà mình đã gấp đánh dấu vẫn còn, chỉ có đoạn ghi chép tội trạng là đã biến mất không còn dấu vết.

Thế mới thấy, đích thực là “Thần mục như điện, báo ứng bất sảng” (“Mắt thần như điện, báo ứng chẳng sai”)! Cho nên làm người thì cần tránh làm việc xấu ác tạo nghiệp, nếu không thì nhân quả báo ứng nghĩa là đã làm hại chính bản thân mình. Câu chuyện đó cũng cho thấy một đạo lý, nếu quả thật chúng ta đã phạm điều sai, chỉ cần sửa chữa những lỗi lầm của mình chúng ta sẽ có cơ hội tránh khỏi quả báo. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2007/4/2/151853.html
Bản tiếng Anh: http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2007/4/13/84529.html
Đăng ngày 07-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Bài viết được đăng trên tuần báo Minh Huệ,

06 tháng 11 2009

Thành ngữ: “Dong nhân tự nhiễu”

Tác giả: Hoằng Nghị

[chanhkien.org] Câu thành ngữ “Dong nhân tự nhiễu” nghĩa là người thường (dong nhân – người tầm thường) thì thích khuấy động mọi thứ lên và tự làm khó mình. Nó được dùng lần đầu tiên trong quyển “Tân đường thư” – “Lục Tượng Tiên truyện”: “Thiên hạ bổn vô sự, dong nhân nhiễu chi vi phiền nhĩ”. Tạm dịch nghĩa: Thiên hạ vốn là không có chuyện gì, người thường tự sinh ra chuyện từ đó tự chuốc lấy ưu phiền.

Vào triều vua Đường Duệ Tông, có viên quan Giám sát ngự sử tên là Lục Tượng Tiên. Ông không những khoan dung độ lượng, tài học cao siêu, năng lực xuất chúng, mà còn có tài can gián, Hoàng đế hết sức kính trọng. Tuy vậy, có một lần ông làm Hoàng Đế nổi giận, bị giáng xuống chuyển đi Ích Châu nhậm chức Đại đô đốc phủ trường sử kiêm chức Kiếm Nam đạo Án sát sứ.

Sau khi đến Ích Châu, Lục Tượng Tiên đối với dân chúng mười phần khoan hậu nhân từ. Ngay cả với phạm nhân, ông cũng không muốn dùng hình phạt thân xác. Thuộc hạ của ông nói: “Bách tính nơi này mười phần ngoan cố, rất khó quản giáo, ngài nên dùng hình phạt nghiêm khắc để kiến lập Uy vọng cho mình. Nếu không, thì chẳng kẻ nào sợ ngài cả”. Lục Tượng Tiên nghe vậy lắc đầu bảo, “Ta có ý hoàn toàn khác. Dân chúng như vậy là bởi cai quản chưa tốt, nếu ông cai trị tốt, thì xã hội an định, trăm họ an cư lạc nghiệp, chúng dân vì thế mà phục tùng ông, cần gì phải dùng đến hình phạt nặng nề để mà dựng lập Uy vọng chứ?”.

Vì vậy, Lục Tượng Tiên tự mình soạn ra một bộ pháp lý mà cai trị Ích Châu. Một lần, có một viên quan nhỏ phạm tội, Lục Tượng Tiên chỉ khiển trách ông ta, bảo không được tái phạm nữa. Thuộc hạ có người thấy thế cho rằng xử vậy quá nhẹ, nhẽ ra nên sử dụng hình phạt dùng côn mà đánh. Lục Tượng Tiên nghiêm túc nói với thuộc hạ rằng, “Người ta ai cũng có tình cảm, chỉ là người ít kẻ nhiều mà thôi. Ta trách tội ông ta, chẳng lẽ ông ta lại không để ý đến điều ta bảo ư? Ông ta là thuộc hạ của ngươi, ông ta phạm tội, chẳng lẽ ngươi lại không có trách nhiệm gì sao? Nếu ta dùng cực hình mà phạt, thì cần phải bắt đầu từ ngươi”.

Thuộc hạ nghe xong, hổ thẹn mà lui ra.

Từ đó về sau, Lục Tượng Tiên nhiều lần bảo các quan lại dưới quyền của mình rằng, “Thiên hạ vốn chẳng nảy sinh sự tình gì lớn, chỉ do một số ít kẻ thiển cận, hạng người tầm thường không có năng lực, tự mình làm cho sự việc lộn xộn, kết quả là những chuyện vốn dĩ giải quyết dễ dàng lại hóa ra hỏng cả. Ta cho rằng cần từ căn bản mà giải quyết mọi sự, sau này có thể giảm bớt rất nhiều phiền toái”.

Lục Tượng Tiên quả nhiên cai quản Ích Châu rất tốt, dân chúng có cuộc sống yên ổn, quan lại cũng mười phần bội phục ông.

Bản tiếng Hán: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/12/23/41479.html

Bản tiếng Anh: http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4378

Ngày đăng: 05-11-2009

Bài viết được trích trên tuần báo Chánh Kiến,

04 tháng 11 2009

Truyền kỳ về Bát Tiên: Lã Động Tân

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua với triều đại. Tám vị tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hoà, và Hà Tiên Cô. Rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, tám vị này là Đại Tiên trong Đạo gia, và họ thường tụ tập, họp mặt với nhau.

Tào Quốc Cữu là hoàng tộc của một hoàng đế; Lý Thiết Quải có tật ở chân nên bước đi với một cây gậy; Hà Tiên Cô là một phụ nữ trẻ đẹp; Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi già của mình và thường cưỡi ngược trên lưng lừa. Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường, thường thích thổi sáo; Hán Chung Ly luôn luôn được nhìn thấy với một tay phe phẩy cái quạt lá.

Trong suốt các cuộc hành trình của họ, tám vị Tiên này đã gặp đủ loại người trong các tình huống khác nhau, nhiều câu chuyện về những trường hợp trong số đó đã được lưu truyền lại. Một ví dụ có liên quan đến nỗ lực cứu độ con người mà không thành công của Lã Động Tân.

Lã Động Tân đã có một lần cam kết với Hán Chung Ly rằng ông ta sẽ cứu độ tất cả chúng sinh. Nhưng ông vẫn chưa cứu được một người nào cả, do đó ông đã làm một chuyến du hành đến vùng Nhạc Dương. Trước kia ông đã tới đó hai lần để cố gắng giúp đỡ người thường. Nhạc Dương bây giờ là một khu vực hành chính thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, ở trên bờ hồ Động Đình.

Lã Động Tân đã tự cải trang thành một ông già bán dầu ăn. Ông xem việc bán dầu như là một dịp để gặp và lựa chọn những người có triển vọng được cứu độ. Nếu một khách hàng có vẻ không tham lam, không đòi dầu ăn nhiều hơn những gì họ đã trả tiền mua, thì ông có thể cứu độ người đó được. Vì vậy, ông đã tiếp tục đi bán dầu trong một số năm, trong thời gian mà ông đã gặp các khách hàng, ngoại trừ một bà già ra, tất cả đều tham lam đòi hỏi quá đáng. Tuy nhiên bà già này, chỉ lấy những gì bà đã trả, và không lấy thêm ngay cả một giọt.


Bát tiên trong Đạo giáo. (Zhang Cuiying/The Epoch Times)

Rất ngạc nhiên, Lã Động Tân nghĩ rằng cuối cùng ông đã tìm thấy một người có thể cứu độ được. Ông hỏi bà ta: “Những người đến mua dầu đều muốn xin thêm, ngoại trừ bà ra. Tại sao bà không làm vậy?” Bà ta trả lời?: “Tôi hài lòng với chỉ một hũ dầu –hơn nữa, cuộc sống của ông cũng không dễ dàng gì với nghề bán dầu ăn. Làm sao tôi có thể lấy nhiều hơn được?” Sau đó, bà ta còn mời Lã Động Tân uống ít rượu để bày tỏ lòng cảm kích của mình.

Lã Động Tân cảm thấy bà ta là một người có triển vọng tốt và dự định sẽ cứu độ bà. Khi ông biết được rằng có một cái giếng trong vườn của bà, ông đã thả nhiều hạt gạo xuống đó. Ông bảo bà già: “Bà có thể kiếm nhiều tiền bạc bằng cách bán nước trong giếng”. Sau đó, ông bỏ đi. Bà già quay trở lại, nhìn vào giếng thì thấy rằng nước trong giếng đã được biến hóa thành rượu. Theo lời khuyên của Lã Động Tân, bà già đem bán rượu trong giếng và trở nên giàu có trong vòng một năm.

Một hôm, Lã Động Tân ghé qua chỗ ở của bà. Bà không có ở nhà, chỉ có người con trai của bà ở đó. Lã Động Tân hỏi anh ta: “Công việc bán rượu thế nào rồi?”

“Công việc bán rượu vẫn tốt, nhưng không có bã rượu, cám gạo để nuôi heo”, người con trai trả lời. Nghe xong những lời này, Lã Động Tân thở dài, thầm nghĩ: “Lòng tham vô đáy của con người đã tới mức độ thương tâm này sao!”. Vì vậy, ông đã lấy lại những hạt gạo trong giếng, rồi bỏ đi.

Chẳng bao lâu, bà già trở về. Người con trai kể lại cho bà những gì đã xảy ra. Bà ta đi ra xem giếng rượu. Rượu trong giếng đã biến thành nước. Bà già vội vàng chạy ra cửa, nhưng Lã Động Tân đã bỏ đi từ lâu rồi.

Lã Động Tân rời Nhạc Dương đi đến hồ Động Đình, và để lại một bài thơ than tiếc cho nhân loại: “Ba lần đến Nhạc Dương không người nhận ra, Qua hồ Động Đình ta ngâm một câu thơ”.

(Câu chuyện này phỏng theo “Hành trình về Phương Đông”, một chương trình của Đài truyền hình quốc tế Tân Đường Nhân)
Theo Thời báo Đại Kỷ Nguyên: http://www.theepochtimes.com/n2/content/view/19461/

Đăng ngày: 02-11-2009; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Nguyên tác trên tuần báo Minh Huệ