Thành ngữ: “Dong nhân tự nhiễu”
Tác giả: Hoằng Nghị
[chanhkien.org] Câu thành ngữ “Dong nhân tự nhiễu” nghĩa là người thường (dong nhân – người tầm thường) thì thích khuấy động mọi thứ lên và tự làm khó mình. Nó được dùng lần đầu tiên trong quyển “Tân đường thư” – “Lục Tượng Tiên truyện”: “Thiên hạ bổn vô sự, dong nhân nhiễu chi vi phiền nhĩ”. Tạm dịch nghĩa: Thiên hạ vốn là không có chuyện gì, người thường tự sinh ra chuyện từ đó tự chuốc lấy ưu phiền.
Vào triều vua Đường Duệ Tông, có viên quan Giám sát ngự sử tên là Lục Tượng Tiên. Ông không những khoan dung độ lượng, tài học cao siêu, năng lực xuất chúng, mà còn có tài can gián, Hoàng đế hết sức kính trọng. Tuy vậy, có một lần ông làm Hoàng Đế nổi giận, bị giáng xuống chuyển đi Ích Châu nhậm chức Đại đô đốc phủ trường sử kiêm chức Kiếm Nam đạo Án sát sứ.
Sau khi đến Ích Châu, Lục Tượng Tiên đối với dân chúng mười phần khoan hậu nhân từ. Ngay cả với phạm nhân, ông cũng không muốn dùng hình phạt thân xác. Thuộc hạ của ông nói: “Bách tính nơi này mười phần ngoan cố, rất khó quản giáo, ngài nên dùng hình phạt nghiêm khắc để kiến lập Uy vọng cho mình. Nếu không, thì chẳng kẻ nào sợ ngài cả”. Lục Tượng Tiên nghe vậy lắc đầu bảo, “Ta có ý hoàn toàn khác. Dân chúng như vậy là bởi cai quản chưa tốt, nếu ông cai trị tốt, thì xã hội an định, trăm họ an cư lạc nghiệp, chúng dân vì thế mà phục tùng ông, cần gì phải dùng đến hình phạt nặng nề để mà dựng lập Uy vọng chứ?”.
Vì vậy, Lục Tượng Tiên tự mình soạn ra một bộ pháp lý mà cai trị Ích Châu. Một lần, có một viên quan nhỏ phạm tội, Lục Tượng Tiên chỉ khiển trách ông ta, bảo không được tái phạm nữa. Thuộc hạ có người thấy thế cho rằng xử vậy quá nhẹ, nhẽ ra nên sử dụng hình phạt dùng côn mà đánh. Lục Tượng Tiên nghiêm túc nói với thuộc hạ rằng, “Người ta ai cũng có tình cảm, chỉ là người ít kẻ nhiều mà thôi. Ta trách tội ông ta, chẳng lẽ ông ta lại không để ý đến điều ta bảo ư? Ông ta là thuộc hạ của ngươi, ông ta phạm tội, chẳng lẽ ngươi lại không có trách nhiệm gì sao? Nếu ta dùng cực hình mà phạt, thì cần phải bắt đầu từ ngươi”.
Thuộc hạ nghe xong, hổ thẹn mà lui ra.
Từ đó về sau, Lục Tượng Tiên nhiều lần bảo các quan lại dưới quyền của mình rằng, “Thiên hạ vốn chẳng nảy sinh sự tình gì lớn, chỉ do một số ít kẻ thiển cận, hạng người tầm thường không có năng lực, tự mình làm cho sự việc lộn xộn, kết quả là những chuyện vốn dĩ giải quyết dễ dàng lại hóa ra hỏng cả. Ta cho rằng cần từ căn bản mà giải quyết mọi sự, sau này có thể giảm bớt rất nhiều phiền toái”.
Lục Tượng Tiên quả nhiên cai quản Ích Châu rất tốt, dân chúng có cuộc sống yên ổn, quan lại cũng mười phần bội phục ông.
Bản tiếng Hán: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/12/23/41479.html
Bản tiếng Anh: http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4378
Ngày đăng: 05-11-2009
Bài viết được trích trên tuần báo Chánh Kiến,
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ