01 tháng 6 2012

Ðạo trời báo phục

Ðạo trời báo phục
(Truyện cổ Phật giáo Trung quốc)


Ở đất Tân Châu, thuộc huyện Cổ Thành, có một người họ Trương, tên Thiện Hữu, thường ngày ăn chay, niệm Phật, hay bố thí rộng rãi, ai cũng khen là người hiền đức. Vợ ông họ Lý, tên Trương, người ta thường gọi là Lý thị, lại là người tính tình thô bạo, kiến thức hẹp hòi, chỉ thích thu vào mà không muốn bỏ ra một đồng một cắc. Ðôi vợ chồng tính tình xung khắc, nhưng ăn ở thuận hòa, biết nhường nhịn lẫn nhau. Họ chẳng có con cái, nhà ít người, nên xài phí chẳng tốn kém gì nhiều. Với huê lợi thu được quanh năm, họ dành dụm để riêng được một số tiền từ hai đến ba trăm quan tiền, đem cho vay lấy lời. Cuộc sống của họ do đó có bề sung túc, chẳng phải lo lắng khổ nhọc.

Ở cách nhà họ chừng mười dặm đường, có một người đàn ông tên là Triệu Ðình Ngọc, nhà nghèo nhưng ăn ở tốt. Khi mẹ chết, anh ta chẳng có tiền làm đám tang. Anh ta nghe phong phanh Trương Thiện Hữu là người dư bạc dư tiền, liền có ý nghĩ muốn đến ăn trộm một mớ để lo đám tang cho mẹ.

Anh ta suy đi tính lại, lưỡng lự đến hai ba ngày. Rồi một đêm kia, anh ta lén đến nhà họ Trương đào một lỗ hổng dưới chân tường, lấy được một số tiền năm sáu chục lượng bạc. Về nhà, anh ta nhờ người chọn một ngày lành, làm lễ mai táng mẹ. Anh ta mua gạo, nếp, nhang, đèn, chuẩn bị mọi thứ hết sức đầy đủ, gửi giấy báo tang khắp hết bà con, thân thích, bạn bè, mướn dàn nhạc, nhà giàn. Rồi anh ta tự mình mặc sô gai, làm đám tang mẹ vô cùng trọng thể.

Ðôi khi nghĩ lại việc làm bất chính của mình, anh ta cho mình vốn không phải là một tên trộm, mà chẳng qua là không có tiền chôn mẹ, nên trong phút chốc trót quên lời dạy của người xưa “Bần nhi bất khả phú tang” (người con trai nghèo không nên chôn cất theo lối nhà giàu). Dẫu sao, anh ta cũng thấy mình đã làm một việc trái với lương tâm và lẽ phải, là đi ăn trộm tiền bạc của kẻ khác!

Trong khi anh ta nghĩ thầm như vậy, thì ở nhà Trương Thiện Hữu sau khi đêm bị mất trộm, sáng ngày Thiện Hữu phát giác ra, mình đã bị lấy mất năm sáu chục lượng bạc. Ông liền nghĩ thầm: “Tiền bạc, của cải là phù vân, nay tụ mai tán. Mất phần này, được phần khác, chẳng nên lo rầu!”.

Nghĩ như vậy, ông thản nhiên, không buồn giận, tự an ủi lấy mình rằng: “Sự việc phải như vậy thôi! Lời tục thường nói: “Nếu con không chết của không mất, thì trời cũng giáng hỏa tai hay đạo tặc mà thôi”.

Trái lại, vợ ông là Lý thị, với đầu óc cạn hẹp, cứ đau xót trong lòng không nguôi, cằn nhằn luôn miệng suốt ngày:

- “Nếu số tiền ấy không bị mất trộm, mình còn làm được bao nhiêu công chuyện. Ðem cho vay cũng lời biết mấy, để mất trộm oan uổng như thế này, tiếc ơi là tiếc.

Một ngày nọ, trong lúc bà ta đang cằn nhằn, bỗng nghe trước ngõ nhà có tiếng trống đánh vang lên, bà ta nghĩ thầm: “Ðây không hẳn là tiếng trống báo thúc thuế, vì tháng này đâu phải là tháng ba hay tháng 9”. Chẳng hiểu ra làm sao, bà ta liền chạy ra ngõ nhìn kỹ thì thấy một nhà sư đi hóa duyên, muốn tìm gặp Trương Thiện Hữu. Bà ta trở vào cho chồng hay. Thiện Hữu bước ra cung kính hỏi han nào là nhà sư từ đâu tới, đến đây có việc gì cần, đi hóa duyên ở đâu về, và làm sao biết đến mình? Nhà sư đáp:

- Bần đạo tu ở chùa Ngũ Ðài Sơn. Từ mấy năm nay, Phật điện bị đổ nát, hết nơi này đến nơi khác tiếp tục xụm xuống. Ngày qua ngày, gió mưa xối xả xuống cả tượng Phật, khiến bần đạo không thể an tâm ngồi ngó cảnh điêu tàn ấy. Nhưng nhà chùa chẳng có lợi tức nào, mà sự tu bổ quá lớn lao, bần đạo không nỡ điềm nhiên ngồi nhìn, bất đắc dĩ phải xuống núi đi khuyến giáo quanh vùng, cầu xin sự giúp đỡ của thiện nam tín nữ quý thiện tâm quân tử, để mong trùng tu lại Phật đường. Bần đạo đã chịu khó lần hồi gom được số bạc một trăm lượng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Vả lại, còn nhiều tín chủ thành tâm đóng góp mà chưa thu nhận được, cho nên bần đạo phải đi thu hết các nơi ấy cho xong. Hiện nay, với số lớn mang theo trong người, bần đạo sợ bọn bất lương biết được mà cướp đoạt mất. Vì thế, bần đạo muốn tìm một nơi tín cẩn, an toàn để gởi nhờ. Tục ngữ có câu “Nhân tâm a thổ bì, thập nhân cửu bất tri” (Lòng người thường giấu dưới da bụng, mười người hết chín người không biết rõ) cho nên bần đạo chưa biết ai để gởi số tiền lớn này. Dọc đường đi, bần đạo nghe người ta đồn tín chủ đây là người chí thiện, ăn chay, niệm Phật, phát tâm làm lành, ai ai cũng đều rõ. Bần đạo quyết tâm tới đây gặp tín chủ để gởi số bạc này tạm thời trong ít lâu. Khi nào bần đạo đã thu góp đầy đủ các nơi, sẽ xin trở lại lấy đi, hợp với số bạc nọ, bần đạo trở vế núi lo tu bổ Phật điện. Bần đạo xin tín chủ cho biết ý kiến thế nào ?

Trương Thiện Hữu đáp:

- Ðó là một việc thiện, xin nhà sư chớ ngại. Nếu nhà sư muốn gởi bạc lại đấy, điều đó cũng như cất vào tủ của nhà chùa vậy. Tôi xin hứa sẽ giữ gìn chu đáo, không có gì sai suyển cả. Lúc nào nhà sư xong việc, xin cứ trở lại đây mà lấy bạc về.

Nói xong, hai đàng kiểm cân lượng của số bạc, niêm phong cẩn thận. Trương Thiện Hữu bèn gọi vợ ra trao tay bảo cất giữ cho thật kỹ. Họ Trương muốn mời nhà sư ở lại dùng cơm, nhưng nhà sư nói:

- Xin đừng lo việc cơm nước, bần đạo cần phải đi ngay, vì nhiều công việc quá gấp rút.

Trương Thiện Hữu nói:

- Tôi đã trao số bạc cho nhà tôi cất giữ. Khi nào nhà sư trở lại lấy nếu tôi đi vắng, tôi sẽ dặn nhà tôi trao lại cho nhà sư chẳng sai.

Nhà sư cảm ơn họ Trương rồi cáo từ ra đi.

Thế nhưng, khi Lý thị cầm được số bạc này trong tay, mụ ta vui vẻ như nở gan nở ruột, tự bảo thầm:

- Tuyệt quá! Tuyệt quá! Thật là hên! Ðêm trước chỉ mất trộm ngót sáu chục lượng, mà nay ông sư này lại mang đến những cả trăm lượng, quả là ta lời gấp bội!

Một hôm Trương Thiện Hữu sắp lên chùa Ðông Ngạc hành hương để cầu xin được cho sanh một đứa con trai đầu lòng, gọi vợ ra dặn rằng:

- Tôi đi vắng rồi, nếu có nhà sư chùa Ngũ Ðài Sơn hôm nọ đến lấy số bạc gởi, dù tôi chưa về đến, bà cũng đem số bạc ấy trao lại cho ông đầy đủ. Nếu ông muốn ở lại nghỉ, bà nên dọn một bữa cơm trưa. Ðó là bà làm một việc ân đức vậy.

Bà vợ đáp:

- Tôi đã rõ cả rồi mà!

Dặn dò xong, Trương Thiện Hữu lên đường. Hai ba hôm sau, nhà sư thu tiền xong, trở lại nhà họ Trương, xin được thu hồi gói bạc.

Lý thị nói:

- Nhà tôi đi vắng. Còn tôi chẳng biết, có ai đến gởi số bạc hay không. Thưa lão sư, lão sư có gõ lầm cửa nhà không ạ?

Nhà sư đáp:

- Cách mấy hôm trước đây, chính tay tôi đã trao số bạc tận tay ông Trương Thiện Hữu, ổng mang vào nhà và nói đã đưa cho vợ ổng cất giữ rồi. Sao hôm nay bà lại nói như vậy?

Lý thị thề nói:

- Nếu chính tôi nhìn thấy số bạc của lão sư thì mắt tôi trào máu ra mà chết!

Nhà sư nói:

- Bà nói như thế là có ý giấu giếm số bạc của tôi rồi.

Lý thị đáp:

- Nếu tôi giấu số bạc của ông, thì xin cho tôi rơi xuống 18 từng địa ngục.

Nhà sư nghe mụ ta thề thốt nặng lời như vậy, biết mụ ta là con người xảo quyệt, có ý trở mặt chiếm đoạt số bạc của mình gởi. Người tu hành chẳng dại đi gây chuyện to tiếng với một phụ nữ, không biết xử lý thế nào, nhà sư liền chắp tay than thở:

- Nam Mô A Di Ðà Phật! Của bố thí kia, bần đạo đã đi lượm lặt từ chỗ này đến chỗ khác, thu góp lại từng đồng từng chữ, tự nguyện không dám tiêu xài, nhịn ăn, nhịn uống để đem về tu bổ Phật đường. Bần đạo đã đem gởi cho nhà bà vậy mà bà dám làm việc mờ ám cả lương tâm, chiếm đoạt bạc của bần đạo, chẳng hề xót thương đến một kẻ tu hành già nua tuổi tác! Dẫu bà có giỏi hành động trong bóng tối, con mắt của các thần linh cũng đã soi thấu. Rồi đây, tuần hoàn báo oán, không ai tránh khỏi đâu, bà ơi!

Than thở, kể lể một hồi, nhà sư bỏ ra đi.

Bốn năm ngày sau, Trương Thiện Hữu đi hành hương trở về, hỏi vợ:

- Nhà sư có trở lại lấy số bạc không?

Lý thị đáp không do dự:

- Sau hôm ông đi một bữa, nhà sư trở lại lấy bạc, tôi đã hai tay nâng túi bạc lên trả cho nhà sư rồi!

Trương Thiện Hữu tin ngay lời vợ. Lời tục có nói: “Lời nói khéo, kéo được lòng”, bởi vậy Trương Thiện Hữu còn khen vợ:

- Chu tất như vậy thì hay lắm!

*

Hai năm sau, Lý thị sanh được một đứa con trai, đặt tên là Khất Tăng. Năm sau nữa, lại sanh thêm một trai, đặt tên là Phước Tăng.

Từ ngày sanh con trai đầu lòng, vợ chồng Thiện Hữu làm ăn càng ngày càng phát đạt, tiền bạc tuôn vào như nước. Khi lớn lên Khất Tăng làm lụng siêng năng, chịu khó thức khuya dậy sớm, ăn xài hết sức tiết kiệm, bòn chắt từng đồng tiền. Chỉ trong mấy năm, cả nhà trở nên khá giả.

Trái lại người con thứ là Phước Tăng tính nết tương phản vô cùng. Anh ta chỉ biết ăn chơi hoang đàng, rượu chè, cờ bạc, xài phí như ném tiền qua cửa sổ, không một chút tiếc nuối. Hằng ngày chủ nợ đến đòi nheo nhéo trước cửa, anh ta vẫn thản nhiên. Thiện Hữu là người biết trọng danh dự, đâu có thể chịu cho người ta đến lăng mạ con trai trước mặt mình! Ông phải dốc tiền ra bồi thường, trả hết kẻ này đến kẻ khác.

Một đàng nhìn thấy công lao khó nhọc của đứa con cả, một đàng chứng kiến sự hoang phí của đứa con thứ, Thiện Hữu hết sức đau lòng. Ông bèn quyết định chia gia tài ra làm ba phần: một phần cho người con cả, một phần cho người con thứ, còn một phần dành cho hai vợ chồng già. Rồi ai lo phận nấy. Kẻ nào phung phá cứ tự do cho tới khi hết của, khỏi phiền lụy đến kẻ khác.

Khi gia tài được chia xong, Phước Tăng phung phí của cải y như lấy nước sôi dội vào nước đá lạnh, như gió mạnh thổi tan mây. Chỉ non nửa năm, tất cả gia sản của cậu ta hoàn toàn hết sạch. Áo quần chẳng còn cái nào lành lặn để mà mặc, không có một túp lều để ở. Vợ chồng Thiện Hữu thấy tình cảnh con thứ như vậy, vừa quá tức giận, vừa đau lòng, muốn bỏ chết cho rảnh mắt. Nhưng, lời người xưa đã nói: “Hùm dữ không ăn thịt con”, hai vợ chồng đành đem phần chia của mình san sẻ dần dần cho con, đến không còn gì hết.

Thế là ba phần gia tài, Phước Tăng đã phá hết hai, lại còn mon men muốn chiếm nốt của anh để xài phá cho sướng tay. Trước hoàn cảnh ấy, Khất Tăng hết muốn gìn giữ gia tài, tức giận không nhịn được, ngã xuống thành bệnh nan y, thầy thuốc không ai chữa được.

Trương Thiện Hữu quá đau khổ, than thở:

- Ðứa con giỏi bệnh nặng, đứa con hư lại mạnh khoẻ. Trong có mấy năm trời, nhà ta phải đến nỗi này! Phải chi đứa con thứ thay chỗ cho đứa con cả thì đâu đến nỗi nào!

Chẳng bao lâu Khất Tăng thở hơi cuối cùng. Vợ chồng Thiện Hữu thương khóc đứa con giỏi giang, cần kiệm, buồn khổ chẳng còn làm gì được. Còn Phước Tăng thấy anh chết lại hết sức vui mừng, thầm nghĩ số gia tài rồi sẽ về mình hưởng trọn.

Lý thị vừa thương con cả, vừa giận con thứ, lòng thổn thức ân hận, khóc từ sáng đến chiều, hai con mắt bật ra máu tươi dầm dề, chẳng bao lâu cũng chết luôn.

Phước Tăng thấy mẹ chết, trong lòng chẳng hề buồn khổ, mà bề ngoài cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt tỏ tình thương xót. Mặc dầu còn đang mặc tang phục sô gai, cậu ta vẫn rong chơi các nơi tửu điếm trà đình, ngày đêm miệt mài trong cuộc truy hoan. Lần hồi kiệt sức, Phước Tăng mang bệnh lao mà chết.

Trong một thời gian ngắn, phải chịu ba cái tang liên tiếp, Trương Thiện Hữu trở nên suy dại, lắm lúc tự nghĩ thầm:

- Con cái sinh ra tai quái ấy, ắt phải có tiền căn nào mới khiến gia đình gánh chịu chết chóc thảm thương như thế! Tục ngữ đã có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo!” (làm thiện được trả thiện, làm ác được trả ác). Nếu như việc làm thiện hay ác mà chưa thấy trả, đó là tại chưa đến cái giờ để nhận lãnh đó mà thôi! Hiện tại, cả đời ta chưa hề làm một việc ác nào, mà ngày nay phải chịu trả như thế này?

Trăn trở mãi với cái nghiệp chướng ấy, có lúc Thiện Hữu suy nghĩ:

- Ta đã đi hành hương cầu tự mới sinh được hai đứa con ấy. Thế mà Diêm Vương nỡ rước đi hết cho đành. Ta phải lên Ðông Ngục miếu, tố cáo việc này với thần linh, thử xem sự thực ra sao, kẻo lòng ta vô cùng ấm ức!

Một hôm, Thiện Hữu dậy thật sớm, mua nhang đèn, rồi đi thẳng lên miếu Ðông Ngục. Ðến nơi, ông vào quỳ mọp trước linh vị, khấn vái:

- Tôi là Trương Thiện Hữu, tuổi đã già, trọn đời chưa làm hại ai, luôn luôn thờ kính thần Phật, cứu giúp kẻ khốn cùng. Vậy mà Diêm Vương nỡ đang tâm cướp đoạt mạng sống của vợ con tôi, khiến cho tôi hôm nay phải sống cảnh cô đơn, nghèo khó và già nua như thế này. Tôi thật khốn khổ vô cùng tận, xin cúi lậy thần linh giải giùm nỗi oan ức của tôi. Nếu quả như tôi có tội, tôi cam chịu hết.

Khấn xong, Thiện Hữu khóc rống lên, té nhào xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Ông ta nằm yên trong giấc ngủ mê, mơ màng thấy mình đến trước mặt Diêm Vương. Diêm Vương hỏi:

- Này Thiện Hữu, sao lão đến Ðông Ngục miếu tố cáo ta?

Thiện Hữu đá :

- Vì ngài nhẫn tâm đoạt tính mạng hai đứa con và vợ tôi, khiến tôi ngày nay phải trơ trọi khốn khổ như thế này! Bất đắc dĩ tôi phải cầu tôn thần quang minh chính đại xét xử cho tôi khỏi hàm oan.

Diêm Vương phán:

- Hàm oan hả? Lão muốn gặp hai đứa con của lão không?

Thiện Hữu đáp:

- Dạ, tôi hết lòng mong muốn, xin ngài cho phép.

Diêm Vương liền sai quỷ sứ đi gọi ngay hai đứa con của Thiện Hữu. Trong nháy mắt, Khất Tăng và Phước Tăng đến trước mặt cha.

Thiện Hữu vui mừng cực độ, hớn hở quay qua bảo Khất Tăng:

- Con ơi! Con hãy theo cha về nhà đi con!

Khất Tăng đáp:

- Tôi nào có phải con của ông đâu, mà về! Tôi nguyên trước là Triệu Ðình Ngọc, vì lấy trộm của ông mấy chục lượng bạc, nên phải thác sanh vào nhà ông để trả món nợ ấy. Tôi đã đền cho ông thập bội rồi! Tôi với ông có phải là cha con đâu!

Thiện Hữu nghe con cả nói thế, bèn nhẫn nhịn quay qua Phước Tăng nói:

- Anh con đã trở mặt nói nó là người dưng nước lã, vậy thôi con trở về với cha đi con.

Phước Tăng lạnh lùng đáp:

- Tôi cũng vậy, nào phải con ông đâu! Tôi là kẻ đến đòi nợ ông, đòi xong nợ là tôi đi. Có thế thôi!

Thiện Hữu ngạc nhiên to tiếng bảo:

- Mày nói sao? Cả đời tao có vay ai đâu, mà bảo là tao thiếu nợ? Tụi bay không muốn về thì thôi, đừng hòng đặt chuyện!

Phước Tăng cười ngạo mạn:

- Ông có nhớ nhà ông đã đoạt của nhà chùa đến ngót trăm lượng bạc không? Nay lại chối leo lẻo. Nè, sổ sách còn ghi đây! Ông có biết tôi là ai không? Tôi là quỷ La Sát, trước đây nhà sư trụ trì chùa Ngũ Ðài Sơn, đã bị vợ chồng ông toa rập cướp đoạt số bạc mà Hòa Thượng đã khổ công thu thập của bá tánh để làm chùa đấy! Bởi lẽ đó Diêm Vương cho tôi đầu thai vào nhà ông đòi lại, và đã phá tan tài sản của nhà ông cho đúng luật quả báo. Tôi nào phải con ông đâu mà về?

Thiện Hữu nghe nói tới đó liền hoảng hốt, run lẩy bẩy, nói ấp úng:

- Trời ơi! Tôi lại đi cướp của nhà chùa sao? Ðể tôi hỏi lại vợ tôi là Lý thị xem sự thật ra thế nào?

Diêm Vương ngồi trên ngai, biết rõ ý của Thiện Hữu, liền ra lệnh cho quỷ sứ mở cửa hỏa ngục, dẫn Lý thị lên hầu.

Một lát sau, Thiện Hữu thấy Lý thị bước ra, tay chân đều bị xiềng, cổ mang gông, bước chân đi không nổi, bọn quỷ sứ phải nắm dây sắt lôi đi đến trước mặt Diêm Vương.

Thoạt trông thấy vợ, Thiện Hữu kinh hoàng, mồ hôi ra dầm dề, toàn thân nổi da gà, mở miệng hỏi nhỏ:

- Bà đó phải không? Tại sao bà chịu cực hình khốn khổ như vầy?

Lý thị bật khóc, nói:

- Ông nó ơi! hồi ở dương gian tôi đã chiếm đoạt số bạc của nhà sư chùa Ngũ Ðài Sơn. Sau khi chết, tôi đã bị liệng xuống 18 từng địa ngục, chịu xiềng xích, chết lần chết mòn như vầy! Ðau đớn lắm ông ơi!

Nói rồi, mụ ta níu lấy áo chồng, khóc rống lên rất thảm thiết.

Diêm Vương ngồi trên ngai, cầm cái chày linh đập xuống bàn nghe chát lỗ tai. Trương Thiện Hữu giật mình thức dậy, mới biết là mình đã trải qua một cơn ác mộng. Ông hoàn hồn, bình tĩnh một hồi, rồi lau sạch nước mắt suy nghĩ, hiểu rõ nguyên do nghiệp chướng của mình phải trả đúng theo lẽ báo ứng tự nhiên của trời đất.

Sau đó, Trương Thiện Hữu trở về nhà, thu xếp mọi việc xong xuôi, từ giã xóm làng, ăn mặc nâu sồng, vào chùa tu cho đến lúc trăm tuổi già.

NGUYỄN VĂN Y

Ðạo trời báo phục Nhà Xuất Bản Trẻ 1989

Của làm ra để trên gác
Của cờ bạc để ngoài sân
Của phù vân để ngoài ngõ

Bài viết được lấy từ http://www.quangduc.com/TruyenNgan/104truyenco4-8.html#Ðạo trời báo phục